Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương

Khoáng sản - Ngày đăng : 23:06, 06/07/2022

(TN&MT) - Chiều 6/7, tại trụ sở Bộ TN&MT, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với đá hoa trắng tại Yên Bái, mỏ đá vôi và mỏ sét xi măng tại Kiên Giang và mỏ than Nam Mẫu tại Quảng Ninh.
img_8793.jpg
Ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phát biểu

Báo cáo kết quả thăm dò đá hoa trắng tại khu vực tổ 10, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ông Hoàng Quang Nam - đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Bán cầu, đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả thi công công trình thăm dò và nghiên cứu các loại mẫu đã làm rõ đặc điểm chất lượng của đá hoa nói chung và từng tập đá hoa theo màu sắc và thành phần nói riêng trong diện tích thăm dò. Mạng lưới thi công công trình thăm dò đủ cơ sở để khoanh nối và tính trữ lượng đá hoa ở cấp 121 và 122.

Ông Trần Lê Châu thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng, trong quá trình khai thác, sản xuất, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu để đánh giá chi tiết và nâng cao chất lượng bột cacbonat canxi của mỏ. Đồng thời, lưu ý đến khả năng chứa phóng xạ trong đá khi sử dụng bột cacbonat canxi trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thức ăn gia súc…

img_8735.jpg
Ông Hoàng Quang Nam - đại diện đơn vị tư vấn báo cáo kết quả thăm dò đá hoa trắng tại khu vực tổ 10, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò; cơ bản đánh giá được đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ; xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá được quy mô, chất lượng đá hoa màu trắng, đá hoa màu xám trắng có kích cỡ khối lớn hơn hoặc bằng 0,4m3 làm ốp lát và đá hoa trắng có kích cỡ khối nhỏ hơn 0,4 m3 sản xuất bột cacbonat canxi trong diện tích thăm dò.

Ông Nguyễn Trường Giang đề nghị chủ đầu tư trong quá trình khai thác cần có các nghiên cứu để đánh giá chi tiết và nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng của bột cacbonat canxi.

Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng đá hoa cấp 121+122 làm ốp lát toàn mỏ là khoảng 583 nghìn m3; trữ lượng đá hoa trắng làm nguyên liệu sản xuất bột carbonat canxi cấp 121+122 toàn mỏ khoảng 3.219 nghìn tấn; trữ lượng đá hoa màu xám làm vật liệu xây dựng thông thường toàn mỏ khoảng 1.148 nghìn m3.

Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cũng đánh giá và thông qua trữ lượng đối với khối tài nguyên 5-333 trong phạm vi giấy phép khai thác số 535QĐ/QLTN, ngày 20/6/1995 mỏ đá vôi núi Cây Xoài – Bãi Voi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang và trữ lượng các khối tài nguyên 333 trong phạm vi giấy phép khai thác khoáng sản số 178QĐ/QLTN ngày 3/3/1995 và số 1056/GP-ĐCKS ngày 18/5/2001 của Bộ Công nghiệp đối với mỏ sét xi măng Bình Trị, xã Bình An.

Ông Võ Khắc Yên - Công ty Cổ phần tư vấn mỏ và xây dựng Trường Xuân, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, công tác thăm dò tại mỏ đá vôi núi Cây Xoài – Bãi Voi nhằm tổng hợp tài liệu, đánh giá chất lượng, nâng cấp trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng trong phạm vi khối tài nguyên 5-333 tại mỏ. Mục tiêu trữ lượng cấp 122 là 1.992 nghìn tấn đá vôi nguyên liệu.

Đối với mỏ sét xi măng Bình Trị, trữ lượng sét xi măng trong phạm vi thăm dò nâng cấp 2 khối tài nguyên lên cấp trữ lượng 122 là 22.555 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên; tương ứng với 17.986 nghìn tấn ở trạng thái khô. Trữ lượng lớp cát sét giàu SiO2 trong phạm vi thăm dò nâng cấp 2 khối tài nguyên cấp 122 là 1.111 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên; tương ứng với 885 nghìn tấn ở trạng thái khô.

Ông Đỗ Văn Định - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Một phần khối tài nguyên 5-333 đã có hiện tượng bị khai thác, tuy nhiên các tài liệu để xác định khối lượng đá vôi đã khai thác trong phạm vi khối tài nguyên 5-333 còn hạn chế, không đủ độ tin cậy. Do đó, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) - chủ đầu tư cần thống kê khối lượng đã khai thác thực tế, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về hoạt động khai thác tại phạm vi khối tài nguyên 5-333 từ khi được cấp phép khai thác đến thời điểm 31/12/2021 để thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.

Trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và mỏ sét xi măng đã tính có độ tin cậy phù hợp với tài liệu thăm dò và nâng cấp trữ lượng 122 tương ứng. Trên cơ sở đó, Hội đồng đã thông qua trữ lượng của 2 mỏ trên.

img_8809-1-(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2759/GP-BTNMT ngày 31/12/2008 mỏ than Nam Mẫu, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Đức Long - Giám đốc Công ty CP Địa chất Việt Bắc - TKV, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Tính đến ngày 31/12/2020, khối lượng thăm dò vào khoảng 69.000m/105 lỗ khoan. Kết quả thi công các công trình thăm dò tổng hợp trong báo cáo đã cơ bản đảm bảo độ tin cậy về tài liệu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu, có cơ sở tin cậy để tổng hợp báo cáo địa chất làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển các Dự án đầu tư khai thác theo quy hoạch phát triển ngành than.

Ông Nguyễn Xuân Toán - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận xét, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu thăm dò, đánh giá được chất lượng và tính được trữ lượng than trong phạm vi giấy phép khai thác đã cấp. Trữ lượng cơ bản đạt mục tiêu đề án đặt ra. Tài nguyên cấp 333 còn lại là 3.119 nghìn tấn, phân bổ ở rìa các vỉa than, TKV cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp.

Hội đồng đã thống nhất với con số trữ lượng than nâng cấp được tính. Theo đó, Hội đồng thông qua trữ lượng cấp 122 nâng cấp từ các khối tài nguyên cấp 333, cấp 334a trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2759/GP-BTNMT mỏ than Nam Mẫu là 27.852 nghìn tấn.

Mai Đan