Bảo Lâm (Cao Bằng): Giải pháp tạo nguồn lực từ đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 22:59, 06/07/2022

(TN&MT) - Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn được huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đặc biệt quan tâm triển khai và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp, góp phần huy động tốt nguồn lực đất đai phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
1(1).jpg

Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên trên 91.000 ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 83.000 ha, đất phi nông nghiệp gần 2.700 ha. Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn huyện. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai được huyện Bảo Lâm chú trọng, triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép qua các hội nghị, các hoạt động của đoàn thể, phương tiện truyền thanh địa phương…, phù hợp với từng địa bàn dân cư, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất, đưa Luật Đất đai 2013 đi vào thực tiễn cuộc sống một cách sinh động, thiết thực. Tại các xã, thị trấn của huyện đến nay đã tổ chức triển khai lồng ghép tại các cuộc họp xóm được 126 cuộc tuyên truyền Luật Đất đai 2013, với hơn 1.280 lượt người tham gia.

Bà Lục Thị Vỹ, xóm Chè Pẻn, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm cho biết: Những năm qua, được xóm, xã thường xuyên thông tin, tuyên truyền, người dân hiểu biết nhiều hơn về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai. Gia đình tôi đã tìm hiểu về Luật Đất đai để xin chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp thành đất ở theo đúng quy định pháp luật. Thời gian mà chính quyền giải quyết thủ tục cũng được rút ngắn so với trước đây.

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã tạo thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí đất đai tại địa phương; đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua việc tuyên truyền, thực hiện các chính sách của Nhà nước quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Qua đó, đa số người dân có đất bị thu hồi đều đồng thuận và chấp hành các quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác thu hồi đất còn chậm so với quy định, nguyên nhân là khi triển khai phải ban hành nhiều quyết định thu hồi đất đến từng thửa đất, đối với địa bàn miền núi các thửa đất nhỏ mà các công trình trên địa bàn lớn nên việc phải trích lục bản đồ địa chính thửa đất để phục vụ công tác thu hồi đất rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

2(1).jpg

Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã tạo thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí đất đai tại địa phương.

Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Huyện Bảo Lâm những năm qua đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Đất đai 2013. Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án thủy điện, công trình giao thông liên xã, liên xóm cơ bản đảm bảo, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ nghèo chưa có đất sản xuất nông nghiệp, giảm tiền sử dụng đất cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “xóa đói, giảm nghèo”.

“Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện pháp luật về đất đai, huyện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế nhu cầu sử dụng, ảnh hưởng lớn đến việc phân bổ quỹ đất cho các lĩnh vực của đời sống xã hội từng địa phương. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm quỹ đất hạn hẹp, không có sẵn các khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đây là một khó khăn lớn khi triển khai, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại địa phương”. Ông Mã Gia Hãnh chia sẻ.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đảm bảo việc sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, tạo giá trị nguồn lực lớn phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai đúng luật định, huyện Bảo Lâm đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng xem xét, kiến nghị về quy định phân cấp thẩm quyền xác định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện, đảm bảo phù hợp với thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Từ năm 2014 - 2020, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) thực hiện thu hồi đất để thực hiện 59 công trình, dự án với diện tích thu hồi các loại đất là 625,07 ha; trong đó, thu hồi đất trồng lúa hơn 20,3 ha; thu hồi đất rừng phòng hộ 0,40 ha. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 896 hộ gia đình, cá nhân, tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Nguyễn Hùng