Siết tín dụng, cửa hẹp cho người mua nhà

Bất động sản - Ngày đăng : 23:08, 04/07/2022

(TN&MT) - Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã bắt đầu hạn chế các khoản cho vay đầu tư bất động sản (BĐS) khiến người mua nhà khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Nhiều rào cản, lãi suất tăng

Theo phản ánh của người dân, việc vay vốn ngân hàng để mua căn hộ tại nhiều dự án BĐS hiện đang rất khó khăn, kể cả các dự án có cam kết tài trợ vốn giữa chủ đầu tư và ngân hàng.

Hơn tháng nay, anh Nguyễn Hoài Sa (Thanh Xuân, Hà Nội) chạy đôn đáo các ngân hàng để làm thủ tục vay vốn mua căn hộ chung cư ZenHome (Hoàng Mai) giá trị 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi suất vay tăng cao đã vượt ngoài khả năng trả nợ của gia đình.

10.jpeg

Nguồn cung thị trường tiếp tục khan hiếm do tín dụng bị bắt chặt

“Đầu năm, tôi đã tham khảo lãi suất vay của các ngân hàng phổ biến ở mức 6 - 7%/năm nhưng do chưa đủ tiền nên tôi hoãn lại. Thật bất ngờ, tại thời điểm này lãi suất vay tăng thêm 3 - 4%. Hầu hết, lãi suất vay được các ngân hàng niêm yết 8,1 - 9,7%/năm. Sau 1 năm lãi suất thả nổi theo thị trường. Do đó, dù rất ưng căn hộ chung cư này, nhưng vợ chồng tôi buộc phải dừng kế hoạch mua nhà lại” - anh Sa nói.

Theo ghi nhận của PV, hiện mức lãi suất cho vay BĐS được một số ngân hàng có vốn Nhà nước áp dụng là 8 - 8,2%/năm cố định trong thời gian đầu ưu đãi. Các ngân hàng khối tư nhân áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn ở mức 9%/năm, sau đó mức lãi suất dao động khoảng 11 - 12%/năm.

Sự “ổn định” của lãi suất cho vay đang có nguy cơ sẽ bị “phá vỡ”, nguyên nhân là do lãi suất huy động đang tăng nhanh, phổ biến ở mức 4,5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng là 5,6 - 6,2%/năm…

Không chỉ lo ngại lãi suất tăng mà hiện nay thủ tục vay vốn của các ngân hàng cũng rất ngặt nghèo, đặc biệt đối với các ngân hàng quốc tế, các gói vay có phần ưu đãi hơn nhưng hồ sơ phải sạch và tài sản vay được thẩm định gắt gao, phí phạt trả trước hạn cao ở mức 4%. Đặc biệt, đối với những khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản thế chấp chính là căn hộ thì thủ tục còn khó hơn nhiều.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, nhận định: Khi ngân hàng tăng lãi suất huy động, sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Dự báo từ nay tới hết năm 2022, lãi suất có thể tăng thêm 0,5% - 1%. Do vậy, trước khi lựa chọn mua nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ.

Gây hệ lụy cho thị trường BĐS

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016, trong đó đề xuất quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại việc kiểm soát tín dụng BĐS có thể gây ra những hệ lụy không tốt, gây tác dụng ngược khiến thị trường BĐS đình trệ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, hiện có 80 - 85% doanh nghiệp (DN) phải huy động nguồn vốn tín dụng. Dòng tiền này được xem là "bà đỡ" của cộng đồng DN hiện nay. Việc thông tư mới yêu cầu kiểm soát việc cho vay mua, kinh doanh BĐS sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS trong thời gian tới. Ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn tín dụng đang chảy vào các dự án BĐS có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín. Thị trường sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái khan hiếm nguồn cung, giá nhà tăng cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng dư nợ tín dụng BĐS đã chậm lại. Đây là kết quả của việc kiểm soát, thắt chặt nguồn tiền đổ vào BĐS. Do đó, các DN kinh doanh BĐS muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tìm các nguồn vốn khác.

Trong khi đó, trái phiếu DN - lựa chọn ưu tiên đứng thứ hai sau nguồn tín dụng ngân hàng, từ vài sự vụ gần đây khiến DN tỏ ra e ngại, không dám phát hành trái phiếu. Vì vậy, việc siết chặt tín dụng BĐS cần phải có giải pháp đi kèm để tránh gây sốc cho thị trường.

“Chúng ta cũng cần phải xem xét hoạt động nào cần “chặn”, hoạt động nào cần kích thích. Các DN BĐS phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thì rất cần được khuyến khích trong việc tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, bên cạnh việc quản lý tín dụng, các cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu cơ chế tối ưu để các doanh nghiệp tốt, có năng lực thật có thể huy động được nguồn vốn từ xã hội thông qua các kênh hợp pháp khác.”- ông Đính nhấn mạnh.

Thùy Linh