Kỳ vọng tìm hiểu chế độ quản lý đất đai giữa Việt Nam - Hàn Quốc

Tài nguyên - Ngày đăng : 12:12, 04/07/2022

(TN&MT) - Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý đất đai hiện đại và hiệu quả bậc nhất thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào hệ thống quản lý đất đai như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain,… Các bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc có giá trị tham khảo cao cho công tác quản lý đất đai tại Việt Nam.
288845713_581761046677304_7626194853713431029_n(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Quản lý đất đai bền vững và Công nghệ thông tin địa không gian

Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc được thành lập vào năm 1976, là hiệp hội nghiên cứu phát triển các lĩnh vực địa chính và chế độ quản lý đất đai. Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc là tổ chức học thuật tốt nhất liên quan đến địa chính và quản lý đất đai ở Hàn Quốc, có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống, đứng đầu Hiệp hội Địa chính quốc tế gồm có Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản là thành viên.
GS. Lee Seong Hwa, Đại học Daegu, Chủ tịch Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc cho biết: việc sửa đổi Đạo luật Địa chính vào năm 1975 của Hàn Quốc đã đặt nền móng cho việc tin học hóa hệ thống quản lý đất đai. Từ năm 1983 đến năm 2003 toàn bộ hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính dạng giấy đã được số hóa trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, đã phát triển các hệ thống tiên tiến như Hệ thống Thông tin Đất đai Hàn Quốc (KLIS- Korea Land Information System) và Hệ thống Quản lý tổng hợp Bất động sản (KRAS – Korea Real Estate Administration Intelligence System) để quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính và bất động sản.
Đặc biệt, tất cả cơ sở dữ liệu địa chính, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đăng ký… được tích hợp và quản lý trong Hệ thống quản lý tổng hợp Bất động sản trước đây sử dụng công cụ GIS của Mỹ thì từ năm 2020 đã được thay thế và vận hành toàn bộ bằng công cụ GIS do Hàn Quốc sản xuất.

dsc07902.jpg
GS. Lee Seong Hwa, Đại học Daegu, Chủ tịch Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Mặc dù, dữ liệu địa chính đã được vi tính hóa từ những năm 1910 nhưng khi đánh giá bằng các công nghệ hiện tại thì độ chính xác của nó rất thấp. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống thông tin đất đai có độ chính xác cao, từ năm 2012 Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các dự án tái điều tra địa chính dựa trên hệ thống trắc địa vệ tinh và hiện nay, đang cho thấy độ chính xác tăng khoảng 20%.
Năm 2021, ngành công nghiệp dữ liệu không gian địa lý của Hàn Quốc, bao gồm cả dữ liệu địa chính và dữ liệu không gian địa lý, có doanh thu khoảng 7,6 tỷ USD, 68.000 nhân viên và 5.595 doanh nghiệp.
Ngoài thông tin địa không gian, với sự phát triển của Internet vạn vật, sử dụng các cảm biến vi mô, thực tế ảo VR, lĩnh vực hoạt động của ngành công nghiệp này hiện đang mở rộng sang cả các vấn đề tư vấn dự báo thiên tai, thảm họa...
Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc là đơn vị thường xuyên phối hợp với các đối tác Việt Nam, mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm liên quan đến các công nghệ đo đạc, thành lập bản đồ, hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, thông tin địa không gian…
Cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Khoa Địa lý và Viện Nghiên cứu Thông tin Địa không gian - Tổng Công ty Đất đai và Địa không gian Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Quản lý đất đai bền vững và Công nghệ thông tin địa không gian.

Hội thảo không chỉ có ý nghĩa về tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc, mà có nhiều đóng góp chuyên môn cho lĩnh vực quản lý đất đai ở cả hai quốc gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, GS. Lee Seong Hwa hy vọng, thời gian tới, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác, tìm hiểu rõ hơn về lĩnh vực địa chính, chế độ quản lý đất đai, cũng như bất động sản, giá đất.

Mặc dù, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm khác nhau về thể chế, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng việc trao đổi và học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực địa chính và chế độ quản lý đất đai sẽ giúp 2 bên tìm ra những điểm chung cũng như điểm mạnh, điểm yếu để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Mai Đan