Bão số 1 diễn biến khó lường, sẵn sàng di dời 50.516 người đến nơi an toàn
Môi trường - Ngày đăng : 23:14, 01/07/2022
3 kịch bản về hướng di chuyển của bão
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 1/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 210km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện có 3 kịch bản đối với hướng di chuyển của cơn bão số 1. Kịch bản 1 (chiếm 70%) là bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó đi sang phía Đông Nam khu vực Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành vùng áp thấp. “Trường hợp này khả năng mưa kéo dài, mưa vừa mưa to cho khu vực Đông Bắc và vùng núi phía Bắc từ chiều tối và đêm 2/7 đến ngày 7/7”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Kịch bản 2 (khoảng 20%) là bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc đi sâu vào phía Tây Nam khu vực Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu. Gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ.
Kịch bản 3 (khoảng 10%), bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, vượt qua phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đi vào phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, tác động trực tiếp đến khu vực Đông Bắc. Hoàn lưu bão sẽ gây mưa to, có nơi mưa rất to cho khu vực Đông Bắc và vùng núi phía Bắc. Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 9, cấp 10, khu vực Đông Bắc gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Mưua lớn ở miền Bắc.
Theo ông Mai Văn Khiêm, do ảnh hưởng của bão số 1, chiều tối và đêm 2/7, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa phổ biến từ 50-80mm, có nơi trên 100mm. Ngày 3-4/7, Bắc Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, riêng khu vực Đông Bắc là 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ ngày 5-7/7, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to.
Sẵn sàng phương án di dời 50.516 người
Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, đến 13h30 ngày 1/7, đã kiểm đếm, hướng dẫn 59.967 tàu/269.433 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó, hoạt động khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa): 655 tàu/4.301 người. Các phương tiện đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển vòng tránh. Đến 12h00 ngày 1/7, tất cả các tàu đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hoạt động và neo đậu tại khu vực Vịnh Bắc Bộ: 33.692 tàu/108.531 người. Hoạt động và neo đậu tại khu vực khác: 25.620 tàu/156.601 người.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nam Định, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản hiện có 65.050 ha diện tích và 13.620 lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Số lượng lều/chòi canh nuôi nhuyễn thể: 3.205 lều/chòi.
Các hồ thủy điện khác khu vực Bắc Bộ, hiện mực nước ở mức cao, trong đó có 23 hồ chứa đang vận hành điều tiết qua tràn.
Hiện khu vực Bắc Bộ có tổng số 2.543 hồ thủy lợi (325 hồ chứa lớn, 525 hồ chứa vừa, 1.693 hồ chứa nhỏ); trung bình đạt từ 65% - 95% dung tích thiết kế, một số tỉnh hồ chứa có mức cao như: Điện Biên 85%, Tuyên Quang 80%, Vĩnh Phúc 80%, Thái Nguyên 81%, Ninh Bình 95%. Có 329 hồ xung yếu, hiện các hồ đang hạn chế tích nước hoặc không tích nước. Có 141 hồ đang thi công. Các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.
Về tình hình đê điều, hiện trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Nam Định hiện có 30 trọng điểm, vị trí xung yếu (Quảng Ninh: 2; Hải Phòng: 14; Thái Bình: 9; Nam Định: 5); 13 công trình đê, cống, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang (Quảng Ninh: 2; Hải Phòng: 5; Thái Bình: 6), các công trình đều đã đắp đến cao trình thiết kế, đang thi công các hạng mục phụ trợ.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích lúa Đông Xuân là 728.000 ha, trong đó đã thu hoạch khoảng 670.000 ha (đạt 92%); diện tích lúa còn lại 58.000 ha đang trong giai đoạn chín và chuẩn bị thu hoạch. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án tiêu úng cho các diện tích lúa mới gieo cấy.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, hiện 17/17 tỉnh/TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã có công điện, văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão. Đặc biệt đối với 4 tỉnh/TP Đà Nẵng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã kêu gọi, hướng dẫn cho 655 tàu/4.301 người thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng phương án di dời 50.516 người ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tránh tư tưởng chủ quan
Tại cuộc họp, Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết, để ứng phó bão số 1, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì nghiêm quân số trực ứng phó bão, đồng thời tiến hành kêu gọi tàu thuyền, cảnh báo di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi trú tránh an toàn. Bộ đội biên phòng cũng chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển chủ động tham mưu cho chính quyền các địa phương các biện pháp đảm bảo an toàn cho người nuôi trồng thủy sản, khách du lịch...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài nhấn mạnh, đây là cơn bão đầu mùa, diễn biến còn phức tạp và có khả năng mạnh thêm. Để chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất như bão gây gió mạnh, sóng lớn trên Vịnh Bắc Bộ và mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, các địa phương cần triển khai quyết liệt, chủ động các phương án ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Tối nay (1/7), Bộ đội Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để hướng dẫn tàu thuyền tránh trú.
Mặt khác, các địa phương cần rà soát, kiểm tra hệ thống đê, kè và có các phương án đảm bảo cho khách du lịch bởi hiện Quảng Ninh và Hải Phòng có khoảng 30 nghìn khách du lịch, đặc biệt là các đối tượng khách du lịch dạng homestay. Chủ động các phương án đề phòng lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Các địa phương kiểm tra các trạm bơm tiêu ứng, thực hiện tiêu nước đệm.
Đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đề nghị Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra vận hành các cửa van có phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng khi có tình huống xảy ra.