Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổng kết Nghị quyết về phát triển vùng Tây Nguyên

Thời sự - Ngày đăng : 23:04, 01/07/2022

(TN&MT) - Sáng 1/7, tại TP Buôn Ma Thuột, (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị Quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002, Kết luận số 12 - KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đến dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các Viện nghiên cứu chính sách, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.

1ok(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, có nhiều tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng. Vì vậy, Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, đúc kết từ kinh nghiệm từ thực tiễn đóng góp ý kiến khách quan, toàn diện đánh giá những mặt đã làm được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó, đề ra những giải pháp để thúc đẩy Tây Nguyên phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng và cả đối ngoại.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên trong thời gian qua đã đạt kết quả khá toàn diện: Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỉ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002; chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội; đóng góp của khu vực công nghiệp tăng từ 11,58% năm 2002 lên 17,98% năm 2020. Công nghiệp tập trung vào thủy điện, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, khai khoáng. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, nhiều mặt hàng chiến tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.

Dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 9,8%, cao nhất trong các vùng; quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2020 đạt 121,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13,7 lần năm 2002.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất các vùng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ. Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

7ok.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình MTQG được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Làm tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, người có uy tín, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

2ok.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011 - 2020 so với cả giai đoạn 2002 - 2020 (bình quân 6,3% so với 7,89%); quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao (tỷ lệ hộ nghèo xếp 5/6 vùng).

Theo Ban tổ chức, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; định hướng các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học về các quan điểm, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

8ok.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.

Xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.

Kết quả Hội nghị sử dụng để hoàn thiện Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu kết luận. Báo Điện tử TN&MT sẽ cập nhật thông tin về Hội nghị.

Phạm Hoài