Khai mạc khóa học về vận hành thị trường các-bon

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:47, 01/07/2022

(TN&MT) - Ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Aus4Skills đã khai mạc khóa học Vận hành thị trường các bon và các cơ chế hợp tác theo thỏa thuận Paris. Đây là khóa học ngắn hạn từ Học bổng Chính phủ Australia nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Australia và Việt Nam.

Tham dự sự kiện có ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT); ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên môi trường; bà Đàm Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Chương trình Aus4Skills; TS Steve Brown, Giám đốc Chương trình đào tạo, cán bộ cấp cao, Khoa Kinh tế và Luật và các chuyên gia đến từ Trường Đại học Tổng hợp Curtin, Australia. Học viên tham gia khóa học là cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức liên quan, chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành thị trường carbon ở Việt Nam cũng như hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

z3533501141765_0c16ccf6b935fd3de0d22586871e5963.jpg
Ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc

Khóa học bao gồm 4 module: Khóa học tại Việt Nam, kéo dài từ ngày 1 - 7/8/2022; Khóa học 2 tuần tại Australia dự kiến diễn ra vào tháng 8/2022; khoảng thời gian 3 tháng sau khóa học để học viên áp dụng kiến thức và kỹ năng từ khóa học dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia; hội thảo tổng kết dự kiến vào tháng 11/2022.

Theo ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Australia đã gặp gỡ và đưa ra Tuyên bố chung Cam kết hành động thiết thực về khí hậu Việt Nam - Australia. Tuyên bố chung thể hiện cam kết mạnh mẽ về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Australia và Việt Nam, đồng thời, nêu bật các lĩnh vực hợp tác song phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm Chương trình bù trừ tín chỉ carbon Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOS) của Australia và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên.

Việt Nam và Australia đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thị trường các-bon của Australia đang không ngừng lớn mạnh với các chương trình cấp quốc gia, cấp chính phủ tiểu bang, vùng lãnh thổ và các tổ chức các-bon quốc tế. Do đó, Australia khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực khí hậu với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bù trừ phát thải các-bon, để Việt Nam sớm có thể tham gia vào các thị trường carbon đang ngày càng phát triển.

dsc_8493.jpg
Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ về cơ chế chính sách liên quan đến thị trường các-bon tại Việt Nam

Khóa học Vận hành thị trường các bon và các cơ chế hợp tác theo Thỏa thuận Paris nhằm hiện thực hóa quan hệ hợp tác ấy và là bước đi giúp Việt Nam kết nối với thị trường các-bon thế giới. Thông qua đây, các chuyên gia và các cơ quan liên quan sẽ được nâng cao năng lực để triển khai nhiều dự án mới, những giải pháp đổi mới sáng tạo liên quan đến phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam trong tương lai.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon tại Việt Nam và quốc tế. Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước được cụ thể hóa tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

z3533499992043_32ae8d6a074c692e75dea67727fe832c(1).jpg
Các đại biểu cùng học viên tham dự Lễ khai mạc

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, số lượng cán bộ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có hiểu biết chuyên môn về thị trường các-bon còn rất khiêm tốn. Để sớm triển khai triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam, cần đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tăng cường năng lực và cả về truyền thông.

Khóa học đào tạo đem đến nội dung rất thiết thực về: công cụ định giá các-bon; kinh nghiệm triển khai hoạt động của thị trường các-bon của Úc, một số quốc gia và khu vực; kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) phục vụ thị trường các-bon; các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; chính sách của Úc về trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển thị trường các-bon và giảm phát thải khí nhà kính. Ông Tăng Thế Cường kỳ vọng, với truyền thống hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa hai Chính phủ, thời gian tới Chính phủ Úc sẽ giúp Việt Nam đạo tạo nhiều hơn nữa về thị trường các-bon theo các hệ chính quy cả ở cấp đại học và sau đại học.

z3533499992004_ac878e70fac9a409238a224602ee326b.jpg
Quang cảnh buổi khai mạc tập huấn

Tại Lễ khai mạc, TS. Steve Brown đại diện cho Trường Đại học Tổng hợp Curtin - đơn vị giảng dạy khóa học đã giới thiệu tổng quan về khóa học. Trong 1 tuần tại Việt Nam, các chuyên gia của Trường sẽ chia sẻ kiến thức, nội dung về xây dựng quy định vận hành, giám sát hoạt động thị trường các-bon, cách thức tổ chức quản lý và hoạt động trên thị trường các-bon.

Chương trình Aus4Skills (Australia cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực) đảm nhiệm triển khai trụ cột "phát triển nguồn nhân lực" trong khuôn khổ Chương trình đối tác Mekong - Australia (MAP). Thông qua các hoạt động đào tạo và chia sẻ kiến thức cho các bên liên quan của Việt Nam, Australia hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng thúc đẩy lợi ích chung của hai quốc gia.

Khóa học "Vận hành thị trường các-bon và các cơ chế hợp tác theo Thỏa thuận Paris" do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Aus4Skills phối hợp tổ chức; đơn vị đào tạo là Đại học Curtin (Australia) dưới sự tài trợ của Chính phủ Australia. Đây là một trong những nội dung hỗ trợ trọng tâm của Aus4Skills trong khuôn khổ chương trình MAP.

Chương trình đối tác Mekong - Australia (MAP) thực hiện trong 4 năm (2020-2024) sẽ thúc đẩy sự phục hồi toàn diện và bền vững sau đại dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á và hỗ trợ cho sự phát triển thịnh vượng và độc lập của tiểu vùng Mekong rộng mở. 2 trong 5 “trụ cột” của MAP là (i) Phát triển nguồn nhân lực (ii) Nước, Năng lượng và Khí hậu.

Khánh Ly