Kenya thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững nhờ bảo tồn rừng ngập mặn

Thế giới - Ngày đăng : 21:42, 01/07/2022

(TN&MT) - Biên giới đại dương phía Nam của Kenya và Tanzania có những hàng rào rừng ngập mặn dày đặc - những bể chứa carbon không thể thiếu và hệ sinh thái tràn đầy sự sống. Những cây và bụi rậm này và các cộng đồng sống phụ thuộc vào chúng đang ngày càng phát triển nhờ các kế hoạch phục hồi của Liên Hợp Quốc – những kế hoạch giúp giảm nghèo và xây dựng khả năng phục hồi kinh tế.
image1170x530cropped-3-.jpg
Amiri Juma Amiri cầm rong biển thu hoạch từ trang trại của ông ở làng Kibuyuni, hạt Kwale, Kenya nhờ sự hỗ trợ từ Viện Thủy sản và Biển Kenya. Ảnh: Liên Hợp Quốc

Rừng ngập mặn là rừng biển nhiệt đới có tiềm năng rất lớn. Chúng bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và triều cường; cung cấp thức ăn và nơi ở cho hàng loạt động vật hoang dã và môi trường sống cho các loài cá và động vật có vỏ quan trọng về mặt thương mại.
Rừng ngập mặn cũng chống lại biến đổi khí hậu. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính, rừng ngập mặn toàn cầu cô lập 22,8 triệu tấn carbon trong rễ, thân và đất mỗi năm.
Mặc dù, cung cấp các dịch vụ có giá trị cho con người và hành tinh, nhưng rừng ngập mặn đang gặp nhiều thách thức. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển và nhiệt độ tăng, rừng ngập mặn đang bị cạn kiệt vì gỗ của chúng có giá trị và được các cộng đồng ven biển đánh giá cao như một nguồn nguyên liệu để xây dựng, làm nhiên liệu và thậm chí là thuốc chữa bệnh. Đô thị hóa ven biển tràn lan và các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không bền vững là một trong những thách thức kéo dài.
Liên Hợp Quốc và Kenya hợp lực

Tuy vậy, không phải mọi hy vọng đều tan biến. Đôi khi, quan hệ đối tác sáng tạo có thể dẫn đến các giải pháp bền vững. Trong ba năm qua, các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), chính phủ Kenya và các đối tác quan trọng khác đã hợp tác để khởi động một số dự án bảo tồn dựa vào cộng đồng. Những dự án này nhằm mục đích giải quyết nghèo đói và mang lại các lợi ích về khí hậu, đa dạng sinh học và cấp địa phương cho các cộng đồng trên bờ biển Kenya.
Cùng với UNEP, Sở Lâm nghiệp Kenya, Viện Nghiên cứu Biển và Thủy sản Kenya và các đối tác gần đây đã khánh thành Dự án Rừng Xanh Vanga ở Vịnh Vanga ven biển của Hạt Kwale (phía Nam Mombasa), một sáng kiến đột phá để trao đổi tín chỉ carbon từ việc bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn.
Dự án của Vanga Blue nằm ở Vịnh Gazi gần đó. Được đưa ra cách đây hai năm, sáng kiến đầu tiên này, được gọi là Mikoko Pamoja (‘Mangroves Together’), gây quỹ bằng cách bán tín dụng carbon cho những người và tổ chức mong muốn giảm lượng khí thải carbon của họ, thông qua tổ chức từ thiện ACES của Scotland. Dự án này hỗ trợ trồng và bảo tồn cây ngập mặn. Các khoản thanh toán cho carbon của rừng ngập mặn được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Mwanarusi Mwafrika, điều phối viên của Rừng Xanh Vanga biết: “Một số loài động vật như bò biển đã bắt đầu biến mất. Bây giờ, chúng đang trở lại. Ngoài ra, ngư dân ghi nhận sản lượng đánh bắt lớn hơn. Điều này là do những nỗ lực bảo tồn môi trường mà chúng tôi đã thực hiện cùng với người dân địa phương”.
Rừng xanh, tăng trưởng xanh

Dự án Rừng Xanh Vanga tập trung vào việc bảo tồn cây xanh. Nó mang lại lợi ích cho khoảng 9.000 cư dân của các làng Vanga, Jimbo và Kiwegu. Các làng thành lập “VAJIKI”, một hiệp hội rừng cộng đồng giám sát 460 ha đất rừng. Làng Jimbo đã thành lập một vườn ươm với 30.000 cây giống ngập mặn còn sống.
Harith Mohamed là Thư ký của hiệp hội cộng đồng và ông tin rằng bảo tồn rừng ngập mặn sẽ là con đường trong tương lai.
Ông nói với UN News: “Nếu bạn làm xáo trộn trạng thái cân bằng giữa rừng ngập mặn và rừng trên cạn thì sẽ gây ra hậu quả. Rừng trên cạn dốc, còn rừng ngập mặn xuôi theo dòng nước. Vì vậy, điều quan trọng là phải bảo tồn những khu rừng này để ngăn lũ lụt bởi nếu mực nước biển dâng cao, các trang trại sẽ không thể hoạt động”.
Dự án Rừng Xanh Vanga hỗ trợ các quá trình phát triển bền vững của cộng đồng nhằm giải quyết các nhu cầu về giáo dục, y tế, nước và vệ sinh. Trong thời gian ngắn, kể từ khi nó được đưa vào sử dụng, khoảng 5 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi và quỹ đạo đó dự kiến sẽ tiếp tục.
Hơn nữa, Vanga Blue đã thực hiện các dự án quan trọng nhằm nâng cao đời sống và sinh kế của hàng nghìn người trong các cộng đồng ngư dân địa phương. Chẳng hạn, một trường mẫu giáo và một bệnh viện đã được cải tạo với thiết bị mới. Các dự án vệ sinh địa phương hiện đang được tiến hành.
Kết nối thành phố, con người và đại dương

Giống như đại dương, rừng ngập mặn là bể chứa carbon khổng lồ. So với các loại cây và rừng trên cạn khác, một khu rừng ngập mặn đơn lẻ có khả năng hút khí thải carbon gấp 10 lần. Việc bảo vệ và tăng cường các khu rừng này sẽ loại bỏ khí cacbonic khỏi bầu khí quyển.
Theo ông Florian Lux của Dự án Go Blue, rừng ngập mặn cũng thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự án này là một sáng kiến tăng trưởng xanh thứ ba đang được tiến hành dọc theo bờ biển phía Nam của Kenya, được thực hiện bởi UNEP và Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) và được tài trợ bởi Liên minh châu Âu.
“Tôi rất vui vì Dự án Go Blue có hợp phần phục hồi rừng ngập mặn. Bảo vệ và sử dụng bền vững rừng ngập mặn góp phần bảo tồn môi trường cũng như mang lại lợi ích cho dân làng địa phương”, ông Lux nhấn mạnh.
Dự án Go Blue, một sáng kiến chung nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững trên tất cả 6 quận ở vùng ven biển của Kenya, tập trung vào việc giúp các thành phố và thị trấn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chương trình nhằm khai thác các nguồn tài nguyên biển và ven biển quan trọng để mang lại việc làm cho hơn 3.000 thanh niên và phụ nữ.
Ông Goodluck Mbaga, một nhà bảo tồn và môi trường ở Quận Kilifi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm đến sức khỏe của đại dương.
“Cần phải bảo tồn môi trường biển. Có nhiều thứ để “gặt hái” từ đại dương hơn là các hoạt động trên cạn trong cuộc sống”, ông Mbaga nói, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của UNEP rằng thay vì làm cạn kiệt hoặc ô nhiễm các nguồn tài nguyên này, chúng ta phải phát triển các cách khai thác và bảo vệ chúng.

Mai Đan