Kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội phục hồi mạnh mẽ

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:37, 01/07/2022

(TN&MT) - GRDP quý II/2022 của thành phố Hà Nội ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng, GRDP tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).
1(4).jpg
Quang cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Thanh Tùng

Chiều 1/7, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022. Tại Họp báo, ngoài cung cấp các thông tin kinh tế-xã hội nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo các Sở, ngành của Thành phố đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề quy hoạch chung cư ven đường Lê Văn Lương, Tố Hữu; vấn đề ún ứ rác thải tại Thủ đô vừa qua…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 10.245 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 99,3 so với cùng kỳ ; Chi thường xuyên là 19.938 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán và bằng 103,0% so với cùng kỳ.

8.jpg
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Thanh Tùng

GRDP quý II ước tăng 9,49% - cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19); trong đó, dịch vụ tăng 9,05% - gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ (5,87%), công nghiệp tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%), xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.

Chánh Văn phòng UBND thành phố cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%). Kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 11,20 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).

Tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5% - gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%).

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ; Phê duyệt thêm 09 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc và Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm...

Việc điều chỉnh quy hoạch tuyến Lê Văn Lương-Tố Hữu là đảm bảo phù hợp

Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang gây chú ý của dư luận trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

2(2).jpg
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: UBND thành phố Hà Nội

Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/6/2011.

Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Bên cạnh đó, với các định hướng tại Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016, cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP. Hà Nội qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.

Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch được quy định tại Điều 26 Luật Xây dựng 2003, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị. Trục Lê Văn Lương phê duyệt quy hoạch năm 2002, năm 2008 hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, như vậy thay đổi địa giới hành chính, thay đổi về kinh tế-xã hội. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998 - thay đổi quy hoạch cấp trên).

Thực hiện việc giải cứu thị trường bất động sản theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối với chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp. Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dung đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết thêm, theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Hiện, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Kết luận của Thanh tra của Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP. Hà Nội, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra.

Trước đó, trong Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu rõ, hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu…

Cụ thể, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hàng chục tòa chung cư cao tầng đã mọc ven con đường Lê Văn Lương- Tố Hữu khiến tuyến giao thông huyết mạch đi qua hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy luôn bị ùn tắc và thiếu không gian sống trầm trọng. Song song với đó, trong suốt thời gian dài, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, Sở Xây dựng, UBND cấp quận… đã tiến hành cấp phép xây dựng ồ ạt, có dấu hiệu buông lỏng quản lý xây dựng, “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đã và đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo giải trình rõ về vụ việc được nêu trong Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng. Thời gian giới hạn báo cáo theo luật là 60 ngày, từ ngày 17/5 đến 17/7/2022.

Nhà máy rác Thiên Ý chậm tiến độ ảnh hưởng lớn đến xử lý rác thải của Hà Nội

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân và giải pháp giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt tại Thủ đô như thời gian giữa tháng 6/2022 vừa qua, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, mặc dù nhà máy rác Thiên Ý được bắt đầu xây dựng từ năm 1999 nhưng do nhiều điều kiện khách quan, đặc biệt là hai năm vừa qua diễn ra đại dịch Covid-19 nên liên tục phải lùi tiến độ hoàn thành. Về phía Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc cũng như tháo gỡ khó khăn cho nhà máy này.

pho-giam-doc-so-tn-mt-ha-noi-mai-trong-thai.jpg
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: UBND thành phố Hà Nội

Vào tháng 5/2022 vừa qua, nhà máy rác Thiên Ý đã đưa vào vận hành thử lò đốt số 3 với công suất 800 tấn rác/ngày. Hiện tại, về cơ bản cả 5 lò đốt rác của nhà đã được xây dựng hoàn thiện và đợi thủ tục từ Bộ Công Thương cũng như EVN cho phép đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia.

Theo dự kiến, tới 15/7, các lò đốt sẽ được đấu vào điện mạng lưới. Trong tháng 8/2022, lò số 2 và 3 sẽ đi vào hoạt động với công suất 1.600 tấn rác/ngày. Tới tháng 10/2022, cả 5 lò sẽ đi vào hoạt động ổn định với công suất 4.000 tấn rác/ngày

Được biết, việc nhà máy rác Thiên Ý liên tục chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến tình trạng xử lý rác thải của TP Hà Nội. Mới đây nhất là vào ngày 16-17/6 vừa qua nhiều tuyến phố trên địa bàn TP như Duy Tân, Xuân Thuỷ, Trần Quốc Hoàn… rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, chất đống, nhiều xe rác để dưới lòng đường gây mất vệ sinh đô thị.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến lý giải là do nhà máy xử lý rác Thiên Ý chậm đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, Nhà máy rác Thiên Ý phải vận hành trước 30/4. Kể từ sau 30/4, rác trên nhiều địa bàn Hà Nội sẽ đưa thẳng về nhà máy này.

Tuy nhiên, đến nay, nhà máy vẫn chậm tiến độ, khiến lượng rác nói trên không có chỗ chứa, lại phải chuyển về các ô chôn lấp rác tại Bãi rác Nam Sơn. Vì vậy, đã dẫn đến việc chuẩn bị hạ tầng các ô chôn lấp – công tác do Sở Xây dựng thực hiện không được đảm bảo, khiến thời gian xe ra vào bãi kéo dài, ảnh hưởng đến công tác vận chuyển rác thải từ khu vực nội thành lên bãi rác Nam Sơn.

Thanh Tùng