Phường Thượng Cát - quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Nhà xưởng trái phép nhan nhản trên đất bãi ven sông

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 12:07, 30/06/2022

(TN&MT) - Tại khu vực đất bãi ven sông Hồng rộng 11ha thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xuất hiện hàng loạt nhà xưởng, cơ sở sản xuất quy mô lớn, hoạt động ngày đêm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các vi phạm rõ ràng về đất đai, trật tự xây dựng, sử dụng sai mục đích đất đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương nơi đây xử lý dứt điểm.

Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo TN&MT trên tuyến đường Đại Đoàn Kết và các khu vực lân cận cho thấy, toàn bộ các công trình được dựng lên làm nhà xưởng quanh đây đều được chủ cơ sở sản xuất quây tôn, kết hợp với hệ thống khung sắt, mái lợp tôn. Trong số này có nhiều công trình được xây dựng bằng tường gạch kiên cố, diện tích mỗi nhà xưởng rộng từ vài trăm đến vài nghìn mét vuông.

12-1-.jpg

Nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng trái phép trên đất bãi ven sông Hồng tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Các cơ sở sản xuất, nhà xưởng tại đây chủ yếu sản xuất các ngành nghề chế biến gỗ, cơ khí, nội thất, gara sửa chữa ô tô, kinh doanh giàn giáo, cốp pha sắt cung cấp cho các công trường xây dựng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thậm chí cả TP. Hà Nội… Để phục vụ cho hoạt động của các nhà xưởng, cơ sở sản xuất, nhiều tuyến đường đã được đổ bê tông chắc chắn thuận tiện cho các phương tiện, xe ô tô tải ra vào bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm, cũng như tập kết nguyên vật liệu, bãi tập kết gỗ lộ thiên ngay bên vệ đường.

Qua tìm hiểu, được biết, nếu các công ty, doanh nghiệp muốn được đầu tư kinh doanh thuê lại mặt bằng, diện tích nhà xưởng tại đây, phải bỏ ra mức giá khoảng 35.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng. Điều đáng nói là do khu vực này nằm ngoài đê sông Hồng, nên mọi hoạt động xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất đều vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Đê điều, vi phạm trật xây dựng… Thế nhưng, bất chấp các quy định pháp luật hàng loạt nhà xưởng vẫn được triển khai xây dựng và đi vào sản xuất.

Do xây dựng trái phép và tự ý chuyển đổi sai mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nên toàn bộ nhà xưởng, cơ sở sản xuất tại đây không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép về môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, giấy phép về phòng cháy, chữa cháy… Trong khi, các công ty, doanh nghiệp tại khu vực này lại sản xuất các mặt hàng dễ cháy, có nguy cơ cháy nổ rất cao.

Đáng lo ngại hơn là khi không được cấp có thẩm quyền chứng nhận về công tác bảo vệ môi trường, các đơn vị sản xuất kinh doanh nơi đây “mạnh ai người đấy làm” ung dung và vô tư trong việc xả các loại rác thải, khí thải ra ngoài môi trường.

Vì sao vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại?

Trao đổi làm rõ các vi phạm trên, ông Vũ Tiến Bắc - Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm thừa nhận: Những phản ánh của Báo TN&MT về tình trạng xây dựng nhà xưởng, hoạt động sản xuất công nghiệp trái phép là đúng thực tế. Theo ông Bắc, khu vực các nhà xưởng mà cơ quan báo chí đang phản ánh nằm trên diện tích rộng khoảng 11ha là đất nông nghiệp, đất bãi ven sông Hồng.

12-2-.jpg

Ông Vũ Tiến Bắc cho biết thêm, do có nguồn gốc là đất nông nghiệp, vì thế trước đó Hợp tác xã Thượng Cát đã phân bổ cho các hộ dân để triển khai canh tác sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2012, trên cơ sở xem xét các quy định của pháp luật, Luật Đất đai hiện hành, việc giao đất của Hợp tác xã không còn phù hợp nên UBND xã Thượng Cát thời điểm đó (nay là UBND phường Thượng Cát) đã thu hồi Quyết định giao đất.

Cũng theo ông Bắc, việc buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, quản lý đê điều, quản lý trật tự xây dựng của UBND xã Thượng Cát (trước đó) dẫn đến vi phạm của 122 hộ, tổ chức, cá nhân hiện nay. Cụ thể, qua kiểm tra thực trạng kinh doanh tại đây có hơn 60 công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực. Trong đó 70% hoạt động trong các ngành liên quan đến đồ gỗ. Hằng năm, UBND phường đều phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy và tất cả các cơ sở đều vi phạm.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao UBND phường Thượng Cát không quyết liệt xử lý, dẹp bỏ những vi phạm nói trên, ông Bắc tỏ vẻ né tránh và đẩy trách nhiệm cho lãnh đạo các khóa trước. Ông Bắc cho rằng, phần lớn vi phạm tồn tại đến thời điểm hiện tại là do lịch sử để lại. UBND phường đã nhiều lần báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tuy nhiên, đến nay chính quyền phường vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể để xử lý những nội dung này.

12-3-.jpg

Đến đây, câu hỏi đặt ra vì sao những sai phạm tồn tại suốt một thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận lại chưa được xử lý dứt điểm? Có điều gì uẩn khúc đằng sau các vi phạm rõ ràng kể trên? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng phường Thượng Cát và quận Bắc Từ Liêm.

Bài và ảnh: Huy An