Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:06, 30/06/2022

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. PV Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về các giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022.

PV: Xin ông cho biết công tác triển khai phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

7-1-.jpg

Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Ông Kpă Thuyên: Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra như: mưa lớn, bão, lũ, ngập úng… trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân. Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đã ban hành Kế hoạch Phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; ban hành Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 để các đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai còn tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho 220 đội xung kích phòng, chống thiên tai/220 xã; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng tránh và hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai khắc phục thiệt hại để ổn định đời sống.

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa, cấp nước như: hồ chứa Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Tầu Dầu 2, PleiKeo, công trình cấp nước sinh hoạt huyện Ia Pa, Phú Thiện…, để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô cũng như điều tiết nước, tham gia cắt lũ mùa mưa; quyết liệt triển khai công tác bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là các khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

PV: Công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh Gia Lai thường gặp những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai đã được UBND tỉnh Gia Lai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, nhưng do điều kiện kinh tế, kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ứng phó sự cố, thiên tai tuy đã được chú trọng quan tâm, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân về ứng phó sự cố, thiên tai chưa thật đầy đủ, vẫn còn hiện tượng chủ quan, ỷ lại, thiếu kỹ năng ứng phó; trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở các địa phương của tỉnh còn lúng túng trong triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Công tác thống kê báo cáo tình hình thiệt hại của một số địa phương còn chậm, thiếu chính xác, chưa kịp thời về thời gian báo cáo, thông tin báo cáo theo quy định, gây ảnh hưởng đến việc tổng hợp tình hình thiệt hại và đề xuất hỗ trợ cho người dân vùng bị thiên tai.

7-2-.jpg

Mưa kèm giông, lốc xoáy làm hư hại cơ sở hạ tầng.

PV: Vậy, tỉnh Gia Lai sẽ có những giải pháp nào để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2022, thưa ông?

Ông Kpă Thuyên: Diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng phức tạp, cực đoan, khó dự báo, cảnh báo. Năm 2022, tỉnh Gia Lai chịu tác động của hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina. Trong các đợt mưa đầu mùa sẽ kèm theo giông, lốc, sét, mưa đá. Vào khoảng tháng 9 - 11, lượng mưa dự báo cao hơn trung bình nhiều năm và đây cũng là thời điểm xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan của thời tiết khí hậu, tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, các hình thái cực đoan của thời tiết để có giải pháp ứng phó, phòng chống phù hợp; quán triệt nguyên tắc: “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngành chức năng tỉnh Gia Lai tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Ba và sông Sê San theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Chính phủ phê duyệt; đôn đốc các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng chú trọng công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, làng, người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai nguy hiểm.

Tỉnh Gia Lai sẽ kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng, hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai; hỗ trợ tỉnh triển khai các công tác nuôi trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như: di dời dân vùng sạt lở đất, khắc phục sạt lở bờ sông và suối, các công trình giao thông, thủy lợi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

QUẾ MAI (thực hiện)