Ngành Khí tượng Thuỷ văn: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tiền đề vững chắc cho tương lai
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:37, 29/06/2022
Đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống pháp luật
Một trong những dấu ấn pháp lý quan trọng của ngành KTTV Việt Nam trên chặng đường phát triển là việc Quốc hội thông qua Luật KTTV năm 2015 với 10 Chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật KTTV ra đời đã cơ bản giải quyết toàn bộ những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với lĩnh vực KTTV, góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành TN&MT. Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực chuyên môn KTTV, mà còn tạo ra khung khổ pháp lý, thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo quy định của Luật KTTV năm 2015, hoạt động KTTV bao gồm các lĩnh vực cơ bản là: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm; Dự báo, cảnh báo; Thông tin, dữ liệu; Phục vụ, dịch vụ KTTV; Giám sát biến đổi khí hậu; Tác động vào thời tiết. Kể từ sau khi có Luật KTTV đến nay, hệ thống văn bản dưới luật đã được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ. Cụ thể, Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật bao gồm 2 Nghị định, 5 Thông tư và khoảng trên 20 Thông tư quy định các Quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế,...
Những năm gần đây, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý nhà nước và triển khai thi hành pháp luật về KTTV tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành KTTV Việt Nam. Điển hình trong số đó là việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV đã triển khai xây dựng dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và đã được Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021. Tiếp đó, ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Thực hiện Quyết định số 3027/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2019 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021. Tiếp đó, ngày 23/5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1083/QĐ-BTNMT về việc Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai thực hiện Quyết định số 433/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ phê duyệt Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục đã xây dựng nội dung, dự toán nhiệm vụ trình và đã được Bộ phê duyệt dự toán tại Quyết định số 1314/QĐBTNMT ngày 5/7/2021; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1752/QĐ-BTNMT ngày 13/9/2021. Hiện nay, Tổng cục KTTV đã phê duyệt theo thẩm quyền Hồ sơ mời thầu (Quyết định số 328/QĐ-TCKTTV ngày 14/10/2021) và triển khai các thủ tục tiếp theo.
Ngoài ra, căn cứ chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, những năm gần đây, Tổng cục KTTV tiếp tục hoàn thiện và trình ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng. Điển hình như Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Thông tư quy định kỹ thuật xây dựng mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ (Thông tư số 14/2021/TT-BTNMT ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT); Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc hải văn (Thông tư số 08/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT); Thông tư quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV quốc gia (Thông tư số 13/2021/TT-BTNMT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT).
Động lực phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong những năm tới, Tổng cục KTTV xác định, công tác xây dựng thể chế và triển khai thi hành pháp luật về KTTV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cụ thể, Tổng cục tiếp tục triển khai đưa Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030 đi vào cuộc sống.
Hoàn thành nhiệm vụ Lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất và triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Triển khai Dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” sau khi được phê duyệt. Tiếp tục tổ chức triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về KTTV khi có sự chấp thuận chủ trương của Bộ TN&MT.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật KTTV thời gian qua đã từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, mở đường cho sự phát triển của ngành trong tương lai. Đặc biệt, sự ra đời của Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư đã khẳng định tầm quan trọng của công tác KTTV trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do đó, trong bài phát biểu tại một Hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã nhấn mạnh, ngành KTTV được giao trọng trách quan trọng là việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
“Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị này là đánh giá công tác KTTV là công tác quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là động lực và cũng là trọng trách của ngành KTTV trong các mặt công tác để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTV. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình dự báo, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm để thống nhất thực hiện trong toàn bộ hệ thống dự báo quốc gia. Trong đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất là cần nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045, làm sao chỉ đạo của Đảng, Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.
Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động qua các thời kỳ, tin tưởng rằng, ngành KTTV Việt Nam sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển, đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong tình hình mới.