Biển Đông sắp đón áp thấp nhiệt đới đầu tiên năm 2022

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:03, 28/06/2022

(TN&MT) - Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), sáng nay (28/6), vùng áp thấp ở phía Nam quần đảo Lu-dông (Philippines) đã đi vào Biển Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ, đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
a-huong-2.jpg
Ông Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: Thanh Tùng

Đến 7 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

“Đây có thể là áp thấp nhiệt đới đầu tiên của mùa bão năm 2022. Theo dự báo, khoảng 50-70% áp thấp nhiệt đới này có thể sẽ tiếp tục mạnh lên thành cơn bão số 1 năm nay”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8) là từ vĩ tuyến 14,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 7 giờ ngày 30/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, ở Bắc Bộ từ đêm nay có thể có mưa rào và dông. Trong những ngày tới sẽ hình thành dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới và cơn bão trên Biển Đông gây ra đợt mưa rào và dông diện rộng. Thậm chí gây mưa to cho Bắc Bộ vào những ngày đầu tháng 7/2022.

1.gif
Hướng di chuyển của vùng áp thấp. Ảnh: TTDB KTTV QG

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp có khả năng mạnh lên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa ban hành Công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông.

Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

“Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 14-17 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115 độ Kinh Đông (khu vực nguy hiểm được điều chỉnh theo diễn biến của vùng áp thấp tại các bản tin của cơ quan dự báo)”, Công điện nêu rõ.

Đồng thời, tiếp tục triển khai nghiêm các nội dung tại văn bản số 334/VPTT ngày 27/6/2022 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.

Về đợt nắng nóng đang diễn ra tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ đêm nay (28/6), Bắc Bộ sẽ có mưa. Sang ngày 29/6, nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ cơ bản kết thúc. Với khu vực Trung Bộ, nắng nóng sẽ tiếp tục duy trì trong ngày 29/6, nhưng cường độ không còn quá gat gắt, với khoảng 35-37 độ, vùng núi phía Tây có điểm trên 38 độ. Sang ngày 30/6, vùng áp thấp nóng gây ra hiện tượng nóng tại Bắc Bộ, Trung Bộ suy yếu, nắng nóng Trung Bộ sẽ giảm và khả năng kết thúc vào những ngày đầu tháng 7/2022.

Theo Dự báo, trong tháng 7/2022, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, các đợt nóng không còn quá gay gắt. Mức nhiệt ở Bắc Bộ sẽ phổ biến khoảng 35-37 độ, Trung Bộ phổ biến ở 36-38 độ. Khu vực phía Tây của các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhiệt độ có thể cao hơn.

Thanh Tùng