Dự báo các tác động kinh tế vĩ mô của BĐKH tại Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:16, 28/06/2022
Biến đổi khí hậu là mối nguy thường trực của Việt Nam
GEMMES Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2019, trên cơ sở hợp tác các nhà khoa học lớn trên khắp cả nước, các cơ quan nghiên cứu trong nước, quốc tế và Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Việt Nam. Chương trình tập trung nghiên cứu, xác định các kịch bản về kinh tế, xã hội của Việt Nam khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C; 2 độ C và 3 độ C. Trong đó, nghiên cứu, xác định chiến lược thích ứng BĐKH của Việt Nam đến năm 2050, chú trọng tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo chỉ ra, nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, nhiệt độ tại Việt Nam có thể tăng lên đến 6 độ C, gây ra những hậu quả trầm trọng cho con người và môi trường. Khu vực phía Bắc có thể chịu nền nhiệt tăng mạnh hơn so với khu vực phía Nam và mực nước biển sẽ dâng cao từ 1 - 2 mét ở các khu vực ven biển.
Sự không chắc chắn về tác động của BĐKH trong tương lai tăng lên do các hoạt động của con người ở cấp độ địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ về sự tác động tổng hợp, trong đó, tác động của con người cụ thể là các đập thủy điện, khai thác cát và khai thác nước ngầm - trở thành mối đe dọa lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ này. Ở nửa thế kỷ sau, BĐKH trở thành vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn vong của đồng bằng.
Dự báo các tác động kinh tế vĩ mô của BĐKH cho thấy cần tăng nguồn tài chính cho thích ứng khi lồng ghép BĐKh vào công tác quy hoạch phát triển. Báo cáo chỉ ra, thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hằng năm khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C. Mức thiệt hại sẽ tăng lên 4,5% khi nhiệt độ tăng 1,5 độ C; 6,7% khi nhiệt độ tăng 2 độ C và 10,8% khi nhiệt độ tăng 3 độ C. Báo cáo đã phân tích những tác động đáng kể đến nhiều linh vực khác nhau như sức khỏe (tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn), nông nghiệp, năng lượng, năng suất lao động…
Đến năm 2050, thiệt hại kinh tế vĩ mô và liên ngành có thể lớn hơn thiệt hại trực tiếp khoảng 30%.
Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong 10 năm qua, nhưng công tác ứng phó BĐKH vẫn đang thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính. Nhu cầu cần thiết phải tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các địa phương, giải quyết những nguyên nhân sâu xa của tình trạng dễ bị tổn thương và lồng ghép biến đổi khí hậu vào hệ thống thể chế một cách toàn diện.
Ông E’tienne Espagne, Trưởng Dự án GEMMES cho biết, AFD đã giới thiệu các nội dung này tại Hội nghị Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP 26), chia sẻ báo cáo với Ban kinh tế Trung ương và các cơ quan của Việt Nam. Theo tiến độ đề ra, bản báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thiện vào tháng 10/2022 và đưa tới Hội nghị COP 27.
Định hướng hợp tác giai đoạn mới
Từ đầu năm đến nay, AFD đã tổ chức 13 phiên thảo thuận để xem xét các nội dung cần bổ sung và đưa ra các hướng hợp tác mới trong giai đoạn 2, sau khi hoàn thiện báo cáo. Theo ông E’tienne Espagne, có 3 mục tiêu chính cần hướng tới, đó là đảm bảo thực hiện các mục tiêu khí hậu của Việt Nam; tác động xã hội của cam kết trung hòa các-bon (hay Net Zero) mà Việt Nam tham gia, kết hợp với tác động kinh tế vĩ mô trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, tại Hội nghị COP 26, 148 quốc gia đã tham gia cam kết Net Zero - phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó, có Việt Nam. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam. Hiện tại, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Đề án triển khai thực hiện các cam kết tại COP 26, trong đó, có các nhiệm vụ đề ra đến năm 2030 và giai đoạn sau đó. Ban chỉ đạo sẽ tổ chức đối thoại với các đối tác phát triển để thông tin cụ thể về đề án này trong thời gian tới, cùng với nỗ lực của các Bộ, ngành hướng đến COP 26 thể hiện trong Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan, lộ trình giao thông xanh, Quy hoạch điện 8, triển khai Luật Bảo vệ môi trường…
“Chúng tôi đánh giá cao Chương trình GEMMES và mong muốn thông qua đây sẽ mở ra hướng hợp tác mới nhằm thực hiện Net Zero trong tương lai” – ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh. Việt Nam đã khẳng định quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính trong Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050 và sẽ cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào cuối năm nay. Hiện trạng cũng như yêu cầu trong công tác ứng phó BĐKH đã rõ. AFD và Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT sẽ dựa vào đây để đề xuất chương trình hợp tác mới trong GEMMES giai đoạn 2, đặc biệt là những hoạt động đem lại hiệu quả trong dài hạn.
Đồng quan điểm, ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam nhấn mạnh, lộ trình Việt Nam theo đuổi rất dài và khó khăn. AFD mong muốn hỗ trợ Việt Nam, tùy thuộc vào nhu cầu của các đối tác trong nước, nhu cầu chuyển dịch năng lượng công bằng và hỗ trợ các địa phương thích ứng BĐKH, tăng cường đối thoại chính sách công. Mô hình GEMMES là công cụ mà Việt Nam có thể tận dụng để xác định các hành động chính sách cần thiết, trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi và xuất hiện các thách thức mới.
GEMMES Việt Nam là chương trình do AFD cùng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT ký kết triển khai thực hiện. Chương trình sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học mới trong các lĩnh vực liên quan để đưa ra dự báo về những thiệt hại do BĐKH gây ra và đề xuất khuyến nghị, tham vấn chính sách.
Theo Giám đốc AFD tại Việt Nam Hervé Conan, GEMMES là hoạt động rất quan trọng trong Chương trình Nghiên cứu hỗ trợ đối thoại chính sách công do Quỹ 2050 của Chính phủ Pháp tài trợ, nhằm triển khai Thỏa thuận Paris. Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ tại COP 26 và việc thực hiện các nghiên cứu này sẽ là cơ sở để các cơ quan Chính phủ có thể đưa ra những lựa chọn tối ưu về tăng trưởng, các chính sách công phù hợp để hướng đến phát thải ròng các-bon bằng 0 vào năm 2050.