Cương quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo: Đi tìm giải pháp

Đất đai - Ngày đăng : 05:56, 28/06/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, có rất nhiều dự án chậm tiến độ, treo gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để xử lý vấn đề này?

Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, tổng diện tích 60.332,1ha.

Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án…

Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế và chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này. Thực tế, pháp luật quy định, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất. Đến Luật Đất đai 2013, những dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai sẽ bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Nhưng Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút giấy phép đầu tư.

t8.jpg

Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT, Luật Đất đai đã quy định Nhà nước thực hiện thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, cho mượn, cho thuê trái pháp luật, diện tích đất để bị lấn, bị chiếm, đất chậm hoặc không đưa vào sử dụng… Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào các biện pháp hành chính, chưa gắn với các chế tài về tài chính và thuế để xử lý; hệ thống thuế về đất đai chưa hiệu quả, nguồn thu từ thuế còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của thế giới, chưa trở thành công cụ hữu hiệu để buộc người được giao đất, cho thuê đất đưa đất vào sử dụng, chưa khắc phục được tình trạng đầu cơ, không sử dụng, hoang hóa đất đai.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, thực tế, một dự án khi được cấp phép trước hết phải tuân thủ quy hoạch, phù hợp với kinh tế địa phương, năng lực nhà đầu tư. Nhưng thời gian qua, việc cấp phép, phê duyệt dự án ở nhiều địa phương diễn ra quá dễ dàng, có dấu hiệu lợi ích nhóm, vì vậy công tác thanh tra, kiểm tra năng lực nhà đầu tư chưa được sâu sát. Đáng quan ngại nhất, sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật về quản lý đất đai, khi dự án được phê duyệt thì nhà đầu tư dùng ngay để thế chấp ngân hàng, nói cách khác, nhà đầu tư đã lấy tài sản Nhà nước đi thế chấp phục vụ lợi ích riêng…

Để giải quyết vấn đề này, theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia, đất không được đưa vào sử dụng, để hoang hóa sẽ bị áp dụng mức thuế suất cao. Ví dụ như: tại Úc, Luật thuế năm 1997 quy định nếu người sở hữu đất thông báo cho Nhà nước việc không sử dụng quá 6 tháng thì sẽ bị đánh thuế 5%, mức thuế sẽ tăng lên 20% nếu thông báo cho Nhà nước sau khi Nhà nước bắt đầu điều tra và đánh thuế 90% nếu không thông báo và bị nhà nước phát hiện.

Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, Bộ đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo. Một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định mang tính quy phạm để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi.

Tại Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, đất bỏ hoang quá 3 năm bị đánh thuế 7%, bỏ hoang 5 năm đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm đánh thuế 9%, bỏ hoang trên 10 năm thuế 10%; tại Philippines, đất bỏ hoang bị đánh thuế từ 2,5%; tại Mỹ, đất bỏ hoang bị đánh thuế 3%; tại Columbia, đất bỏ hoang bị đánh thuế từ 1 - 3%.

Trong năm 2018, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; để khắc phục tình trạng các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng. Tính đến hết năm 2020, đã có 60/63 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện. Sau đó, Bộ tiếp tục có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.

Hiện, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc đưa vào khai thác, sử dụng đối với diện tích đất của các dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí... trên phạm vi cả nước để phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thúy Nhi