Hà Tĩnh nhân rộng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:36, 24/06/2022
Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Pari tại Hà Tĩnh” (gọi tắt là SIPA Hà Tĩnh) do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu liên bang Đức tài trợ trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế.
Dự án đã thí điểm cách tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. Các hoạt động ở Hà Tĩnh do Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam và các đối tác cấp tỉnh tại Hà Tĩnh thực hiện.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, dự án đã triển khai 5 mô hình nông lâm kết hợp, bao gồm: Phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng; trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ; trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi. Hơn 3.560 hộ gia đình với tổng số 14.000 người tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang đã tham gia dự án. Trong đó, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau.
SIPA Hà Tĩnh cũng lồng ghép các kết quả và phương pháp tiếp cận của dự án vào một số chương trình khác. Điển hình là chương trình “Cải tạo vườn tạp” do Hội Nông dân tỉnh triển khai, góp phần thực hiện chương trình “Nông Thôn Mới”; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2022-2025”, chương trình “Kết nối tiêu thụ sản phẩm” và chương trình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp” phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh…
“Việc triển khai các mô hình đã cải thiện rõ rệt khả năng thích ứng và sinh kế của các hộ gia đình. Thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2-5 lần so với trước. Cụ thể, mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt thu được hơn 200 triệu đồng 1 hec ta 1 năm. Mô hình hành tăm luân canh cây họ đậu mang về 80 triệu đồng 1 héc ta mỗi năm. Mô hình nuôi ong lấy mật cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35- 40 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 1ha cỏ chịu hạn có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 8 con bò/năm, góp phần giảm chi phí thức ăn chăn nuôi cho bà con. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã góp phần hồi sinh những vũng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nơi đây”, bà Lê Thị Tầm, Giám đốc Dự án SIPA Hà Tĩnh cho biết.
Trên cơ sở này, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch lồng ghép các mô hình nông lâm kết hợp, CSA, EbA vào trong Chương trình cải tạo vườn tạp/Chương trình Nông Thôn Mới; Kế hoạch hành động của HND giai đoạn 2018-2023; đăng ký thi đua của HND các cấp năm 2021, 2022. Mục tiêu nhân rộng các mô hình tới hơn 17.000 nông hộ trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Quang Tân, Điều Phối viên Quốc gia của Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam cho biết: “Ba dự án do ICRAF và các đối tác của Dự án SIPA Hà Tĩnh xây dựng đã được nhà tài trợ phê duyệt. Các dự án này kế thừa và nhân rộng kết quả triển khai tại Hà Tĩnh sang tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung khác. Tổng ngân sách huy động được hơn 20 tỷ đồng. Thời gian triển khai các dự án là từ năm 2022-2025”.
Tại hội nghị, hơn 70 đại biểu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cùng nghe kết quả, kinh nghiệm triển khai các mô hình và thảo luận về cơ hội nhân rộng.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đi thăm quan các mô hình của dự án tại huyện Can Lộc và huyện Hương Sơn.