Lũ lụt ở Bangladesh đưa ra cảnh báo về biến đổi khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 15:49, 22/06/2022

(TN&MT) - Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu có khả năng đã làm cho những trận mưa gây ra lũ lụt thảm khốc trên khắp Bangladesh trở nên tồi tệ hơn.
dub2bavezvolth3tv4afvwwgum(1).jpg

Mọi người lên thuyền tìm nơi trú ẩn trong trận lũ lụt trên diện rộng ở Sylhet, Bangladesh vào ngày 19/6. Ảnh: Reuters

Theo các nhà khoa học, mặc dù, các trận mưa gió mùa ở Nam Á diễn ra theo các mô hình khí quyển tự nhiên, nhưng các trận mưa sẽ trở nên thất thường hơn và xối xả hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao.

Sẽ mất nhiều tháng để xác định chính xác tác động của biến đổi khí hậu đối với những trận mưa lớn vào tuần trước. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng, không khí ấm hơn có thể giữ nhiều hơi nước hơn trước khi các đám mây mưa cuối cùng bùng phát, đồng nghĩa rằng, gây ra nhiều mưa hơn.

Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ cho biết: “Những đợt gió mùa mạnh ở Vịnh Bengal có thể khiến độ ẩm cao hơn. Lượng mưa lớn mà chúng ta thấy hiện nay có thể là tác động của biến đổi khí hậu”.

Gió mùa ở Nam Á, từ tháng 6 đến tháng 9, chịu sự chi phối của một số mô hình chồng chéo trong đại dương và khí quyển, bao gồm chu kỳ thời tiết El Nino-La Nina và Lưỡng cực Ấn Độ Dương. Hiện tại, những hệ thống này đang tạo ra những cơn gió Tây Nam rất mạnh trên Vịnh Bengal.

Tuy vậy, các mô hình gió mùa đã thay đổi trong những thập kỷ gần đây, khi nhiệt độ trung bình ở Bangladesh đã tăng ít nhất 0,5 độ C kể từ năm 1976.

Nhà khoa học Koll cho biết: “Thay vì có những cơn mưa vừa trải dài trong suốt mùa gió mùa, chúng ta trải qua những thời kỳ khô hạn kéo dài xen kẽ với những đợt mưa lớn ngắn hạn. Trời mưa sẽ gây ra hơi ẩm trong vài giờ đến vài ngày”.

Ngày 21/6, quân đội Bangladesh đã được điều đến để giải cứu những người cần giúp đỡ hoặc cung cấp thực phẩm và nước. Các quan chức cho biết, ít nhất 69 người đã thiệt mạng trong thảm họa này.

Trận mưa lớn vào tuần trước, khiến nước tại con sông của Bangladesh tràn bờ, chưa đầy một tháng sau khi bang Assam của nước Ấn Độ láng giềng bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt do mưa tương tự gây ra, khiến ít nhất 25 người ở đó thiệt mạng.

Bangladesh được cho là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về khí hậu. Theo một phân tích năm 2015 của Viện Ngân hàng Thế giới, khoảng 3,5 triệu người Bangladesh có nguy cơ hứng chịu lũ lụt trên sông mỗi năm. Lũ lụt cũng đe dọa nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp nước sạch của quốc gia này.

Anders Levermann, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) và Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, các quốc gia trong khu vực đều chịu thiệt hại nếu không có mưa. Những gì họ cần là lượng mưa ổn định, như lượng mưa trong quá khứ.

Lan Chi