Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0"

Môi trường - Ngày đăng : 15:43, 22/06/2022

(TN&MT) - Ngày 22/6, Báo Công Thương phối hợp với Tập đoàn General Electric (GE) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam”, ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong vấn đề chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Đó là khẳng định của ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Dũng, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.

anh-1-2-.jpg
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm

Trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Trong Dự thảo Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26. Quy hoạch nhấn mạnh việc cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.

anh2.jpg
Ông Sean M.Lawlor, Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ 

Để làm được điều này, ngành điện sẽ xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí LNG. Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện NLTT cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh (ưu tiên sản xuất hydrogen, amoniac xanh, hóa chất,…), các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác; đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả….

Theo ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quan điểm về chuyển đổi năng lượng và quy hoạch năng lượng quốc gia là phù hợp với định hướng theo Nghị quyết 55 và cam kết COP26, tiềm năng của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Riêng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngoài việc chuyển đổi năng lượng, các nhà máy hiện hữu đang sử dụng than, EVN còn có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị hệ thống để hấp thụ được các nguồn sơ cấp khác và nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống điện hiện nay. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Vậy công tác chuẩn bị phải làm sao để đáp ứng được mục tiêu này và đảm bảo an ninh năng lượng.

Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Nhà nước về chuyển đổi năng lượng và trong thời gian ngắn các Bộ ngành sẽ được giao nhiệm vụ và các đơn vị sẽ triển khai sớm. Quan trọng vẫn là lựa chọn công nghệ và nguồn tài chính. Đối với công nghệ hydrogen hay amoniac thì thời gian tới, phải có giải pháp để giảm giá thành. Về tài chính, chúng ta cần khoảng 14 tỷ USD. Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ và các tổ chức quốc tế thì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được – ông Nguyễn Tài Anh khẳng định.

Cần hệ thống chính sách năng lượng ổn định

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, là đơn vị nghiên cứu chính sách, Bộ Công Thương nhận thấy nhiều thách thức lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng như: Đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, các dạng năng lượng truyền thống đang suy giảm về khả năng cung cấp, các tiềm lực trong nước còn hạn chế, chúng ta phải đảm bảo tăng trưởng xanh và giảm phát thải bằng 0 theo cam kết của Chính phủ…

anh-4(1).jpg
Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm

Trước đây, chúng ta đã chuyển đổi nền năng lượng phi thương mại sang nền kinh tế tiếp cận các nguồn năng lượng thương mại với các mức giá tiệm cận thế giới. Chúng ta chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mới và tái tạo để giảm phát thải. Tuy nhiên, chúng ta còn chuyển từ nguồn tập trung sang phân tán, từ phụ thuộc vào nhập khẩu sang tự chủ… Mấu chốt là Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực mà chúng ta cho là trụ cột để thực hiện. Đây là nền tảng để thúc đẩy công nghệ cùng các giải pháp góp phần thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong chuyển đổi năng lượng, ông Sean M.Lawlor, Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại COP26. Các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này.

Theo ông Narendra Asnani, Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ, GE Gas Power châu Á, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.

Mới đây, GE chính thức công bố sẽ cung cấp tuabin khí 9HA đầu tiên tại Việt Nam cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là nhà máy điện khí LNG đầu tiên của đất nước, với công suất hướng tới đạt 1,6GW khi đi vào hoạt động vào năm 2025. Qua đây, GE sẽ cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng.

Khánh Ly