Tác nghiệp ở “Quần đảo bão tố”
Xã hội - Ngày đăng : 16:21, 20/06/2022
Thực lòng mà nói, tôi đi Trường Sa nhiều lần nhưng chưa bao giờ có ý định dừng lại nếu cơ hội đến. Bởi vậy vào tháng tư, tháng năm hằng năm, Trường Sa luôn là “điển hẹn” mơ ước của nhà báo trên mọi miền đất nước.
Khác với tác nghiệp ở đất liền có thể “chộp ảnh” bất cứ lúc nào, thì ở Trường Sa nếu không “nhanh tay, nhanh mắt” thì không thể có những tấm ảnh đẹp. Vì thời gian tác nghiệp ngắn ngủi chừng 2 giờ cho mỗi đảo, vậy phải “chộp”gì, “chép” gì trong hai giờ đồng hồ ấy là một “bài toán tư duy định hình trong não” của mỗi nhà báo trước khi bàn chân đặt lên triền đảo.
Vốn là nhà báo của biển đảo, tôi luôn có tư duy “Lên đảo trước, về tàu sau” để chụp những hình ảnh sớm nhất, những hành động đẹp nhất. Muốn làm được điều đó, phải luôn là người có mặt ở boong tàu khi xuồng chưa hạ.
Mỗi lần tàu hải quân chở đoàn công tác ra thăm quân dân Trường Sa, DK1, trên mỗi con tàu nhỏ bé ít nhất cũng có 230-250 thành viên đến từ mọi miền Tổ quốc. Với số lượng người như thế, để sắp xếp xuống xuồng vào đảo trong điều kiện sóng gió bất thường là một việc làm khoa học và chính xác đến từng “xen ti mét” do sĩ quan điều hành của tàu chỉ huy. “Xuống xuồng trước, vào đảo sớm, về tàu sau” cũng xuất phát từ đặc điểm ấy.
Tôi có thói quen “chộp” ảnh của người chụp ảnh. Đó là “chộp” hành động “độc lạ” của đồng nghiệp, hoặc một phong cảnh nào đó mà mình cảm xúc, rung động. Đừng chen lấn với đồng nghiệp để chụp cận cảnh, mà hãy đứng từ xa để chụp hành động của một nhóm người. Tấm ảnh chụp hành động của một nhóm người sinh động hơn, hấp dẫn hơn tấm ảnh chụp một người hay hành động đơn lẻ. Những khoảnh khắc ấy luôn mang lại cho tôi một sự sáng tạo khơi nguồn cảm hứng sáng tác từ não bộ. Và chính sự sáng tạo ấy đã “ra lò” những tấm ảnh không “đụng hàng” với bất kỳ ai. Thế mới hiểu sự sáng tạo không chỉ có tư duy của não bộ có cả từ trước đó, có cả trong quá trình tác nghiệp.
Quả là thiếu sót nếu không nó đến “động tác ghi chép” khi đến Trường Sa. Ra Trường Sa tất cả mọi người đều có chung một cảm xúc ào ạt, thiêng liêng đến lạ kỳ. Nhưng càng xúc động, càng thiêng liêng, càng phải tranh thủ ghi chép những “khoảng khắc thiêng liêng ấy”. Bởi nếu không ghi chép lại, khoảng khắc đó sẽ “vuột” mất và “rơi vãi” trước khi trở về tàu. Cho dù sau này có “hồi tưởng lại” cũng không thể chính xác 100% bằng mình đã ghi chép trực tiếp.
Làm báo thời đại 4.0 chẳng cần bút, giấy, mà chỉ cái điện thoại thông minh là thỏa thích ghi âm, chụp ảnh. Có thể nói đây là phương tiện hữu hiệu nhất khi tác nghiệp ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Bởi giữa sóng gió mênh mông, giữa tiếng ồn ào của bao người, ngồi trên xuồng tròng trành lắc lư, việc ghi chép bằng bút giấy sẽ là “trở ngại của cảm xúc”. Vậy nên tận dụng điện thoại thông minh để ghi âm, chụp lại những giây phú xúc động được coi là “thời thượng” của làm báo hiện đại. Và chỉ “ghi, chộp” được những khoảng khắc thiêng liêng, sâu đậm ấy, tác phẩm báo chí mới có “sức nặng”, mới có sức sống sinh động, với có sức lôi cuốn độc giả, và mới thỏa được niềm đam mê gắn vào máu thịt của nhà báo.
Tác nghiệp ở Trường Sa là đỉnh cao của thú vị tác nghiệm ở mỗi nhà báo. Bởi nơi đây không chỉ là mảnh đất xa nhất của Tổ quốc, mà còn là quần đảo thiêng liêng mang hồn dân tộc. Những tấm ảnh “độc, lạ” được chụp bằng cả niềm đam mê nhiệt huyết của nhà báo, đó là những tấm ảnh đẹp nhất. Chỉ có những nhà báo tác nghiệp với niềm say mê yêu nghề mới có những tác phẩm báo chí đẹp đẽ. Bởi những tấm ảnh đó, bài báo đó, nhà báo chụp, viết ra từ cảm xúc rung động và trái tim yêu Trường Sa cùng những người lính biển vô bờ.
Trường Sa được gọi là “quần đảo bão tố”. Vì đây chính là “túi” của giông tố bão bùng và nắng nóng quanh năm. Nhưng kỳ lạ thay, ở nơi “thừa nắng, thừa gió, thiếu rau xanh và hơi ấm đất liền ấy”, cỏ cây hoa lá vẫn nảy mầm. Sức sống của những chiến sĩ “đầu đội trời chân đạp san hô” vẫn kiên cường trụ vững và kiêu hãnh. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ”, là đề tài đẹp đẽ vô tận. Để rồi mỗi lần nhà báo ra Trường Sa là một lần không thể nào quên.