Mưu sinh nơi đầu sóng

Biển đảo - Ngày đăng : 13:38, 20/06/2022

(TN&MT) - Từ lâu, người dân huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã quen với cuộc sống mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió. Phần lớn quãng đời của họ gắn với trùng khơi, xem biển cả là nhà. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng chẳng bao giờ họ cạn tình với đại dương. Họ là những ngư dân mạnh mẽ, kiên cường. Sự hiện diện của họ trên biển không chỉ tìm kế sinh nhai mà còn góp phần khẳng định, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đợi chồng…

Mặc dù đã nhiều lần ra đảo Phú Quý nhưng mỗi chuyến đi đều mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc mới mẻ khác lạ, lưu luyến, bởi “hòn ngọc Phú Quý” nằm giữa trùng khơi sở hữu cảnh vật hoang sơ, những bãi biển nước trong xanh nhìn thấu tận đáy đẹp như tranh vẽ, ngất ngây say đắm lòng lữ khách. Còn người dân sống rất giản dị, mộc mạc và chân chất đến thuần khiết… khiến những ai đặt chân đến đảo cũng hẹn ngày quay trở lại.

Trong chuyến công tác cùng cơ quan - Báo TN&MT phối hợp với UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trao tặng hàng trăm bồn chứa nước loại dung tích 1.000 lít cho người dân đang sinh sống trên huyện đảo Phú Quý, khi tàu Superdong cập bến đảo, đập vào mắt chúng tôi hình ảnh rất đỗi đời thường của người dân bản địa, kẻ bán người mua hải sản rôm rả, những đoàn thuyền tấp nập cập bến sau những ngày ra khơi thả lưới, giăng câu.  

anh-1.jpg

Thu mua cá tại bến.

Cả buổi sáng hôm ấy, lân la từng chủ thuyền để ngỏ ý xin ra khơi nhưng đáp lại là những nụ cười và những cái lắc đầu, xua tay, bởi người dân sợ chúng tôi không chịu đựng nổi sóng gió của mẹ đại dương gầm thét dữ dằn ngoài trùng khơi. Nghề đi biển thật tréo ngoe. Những đợt biển động bất thường lại giúp ngư dân đôi khi trúng những mẻ lưới trĩu nặng hải sản hơn là trời yên biển lặng. Vì vậy, họ tranh thủ giong thuyền ra khơi với mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Tại góc cuối ở cảng cá, một người phụ nữ dáng đậm đứng “lẻ loi một mình” dõi mắt ra trùng khơi đầy tâm trạng. Hỏi ra mới biết cái… sự bồn chồn đầy ưu tư ấy bởi đã đúng ngọ, mặt trời lủng lẳng đỉnh đầu nhưng thuyền đánh cá của chồng mình vẫn chưa cập bến. Chị sợ thương lái rút đi hết thì xem như số hải sản trên thuyền của chồng cập vào phải chứng kiến cảnh “hàng thịt nguýt hàng cá, hàng cá đá hàng tôm”…

Tháo vội chiếc nón lá cùng khẩu trang ướt sũng mồ hôi, chị kéo vạt áo lau vội khuôn mặt rồi chỉ tay ra biển cười nói: “Ghe ông xã kìa, họ đã vào rồi”. Có lẽ nhờ cơ duyên gặp gỡ ấy mà những ngày sau đó chồng chị là anh Tình (41 tuổi, ngụ xã Long Hải) mới đồng ý đưa chúng tôi ra khơi.

Ra khơi mùa biển động

Sớm tinh sương, hừng đông chưa ló dạng, cũng là lúc anh Tình cùng những người bạn ngư dân cưỡi sóng ra khơi, họ bỏ lại đằng sau tiếng bước chân hối hả trên cảng cá, tâm trạng của những người vợ tiễn chồng, tiếng máy của thuyền chát chúa rời cảng xé toạc sự tĩnh mịch của buổi sớm ban mai. Cứ thế, con thuyền lầm lũi cưỡi sóng vượt gió hướng ra vùng biển Dạng Cả cách đảo Phú Quý khoảng 20 hải lý (khoảng 37km). Với khoảng cách này, kích thước đảo Phú Quý thu nhỏ giống như cái bát. Thi thoảng những lớp sương mù quần tụ che khuất đảo khiến mắt thường không xác định đâu là bờ.

Chia tay những ngư dân bình dị, ấm áp tình người, chúng tôi hứa hẹn sẽ trở lại thăm người dân đảo Phú Quý, hòn đảo có cảnh sắc hoang sơ, kỳ vỹ trong một ngày gần nhất. Trên con tàu về đất liền dập dềnh trước sóng, vẫn còn văng vẳng bên tai câu hát: “Biển này là của ta, đảo này là của ta...” trong bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” mà lúc trên thuyền anh Tình hay phát đi phát lại.

Thứ cảm giác và âm thanh duy nhất cảm nhận lúc này là tiếng máy nổ cùng tiếng sóng vỗ đập vào hai bên mạn thuyền. Những con sóng lớn như muốn “ăn tươi nuốt sống” con thuyền nhỏ tựa vỏ trấu giữa đại dương bao la. Gió càng lớn, lá cờ đỏ sao vàng trên nóc thuyền tung bay phần phật. Mặc dù khoác chiếc áo ấm dày cộm nhưng vẫn không ít lần phải rùng mình trước những cơn gió biển mang hơi lạnh cùng vị muối mặn chát của nước biển xộc vào mặt.

Tới khu vực Dạng Cả, anh Tình cho thuyền giảm tốc độ, các ngư phủ nhanh chóng thả cọc phao tiêu đánh dấu khu vực cùng những tấm lưới dài xuống biển. Công việc thả lưới hoàn tất cũng là lúc đằng Đông xuất hiện cảnh quan tuyệt mỹ, mặt trời căng tròn như một quả cầu lửa “thiêu cháy” cả một góc trời. Dõi bên mạn thuyền, những tia nắng dần xua tan các lớp sương mù đặc quánh, phản chiếu rất nhiều màu sắc rực rỡ. Cảnh sắc ấy thật vi diệu.

Trong thời gian đợi cá vướng lưới, các ngư phủ thả những cọc neo xuống biển để con thuyền không bị trôi dạt. Bữa ăn trên biển của ngư dân rất đơn giản, là cơm trắng mang theo, còn thức ăn được chế biến từ những con cá, con mực vừa bắt được.

Khi chúng tôi thắc mắc sao không nghỉ ngơi sau cơn bão sớm ngoài khơi so với quy luật nhẽ ra tháng 4 trời quang mây tạnh, anh Tình trả lời rằng, nghề đi biển ráo mồ hôi là khô nồi. Xa biển ngày nào đói cơm ngày đó. Cả đời bám biển, ngư dân xem cuộc đời mình tựa như phao lưới dập dềnh cùng con sóng. Ai cũng trông chờ những sản vật đại dương ban tặng đang ẩn mình trong dòng nước. Cứ thế, bao đời qua, nghề bám biển cha truyền con nối, cuộc đời họ cùng con thuyền lắc lư cùng sóng.            

Mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió

Tiếp tục hành trình, con thuyền lầm lũi hướng về khu Dạng Lớn, khu vực này là vùng nước nông, bên dưới là các dãy san hô tự nhiên rất lớn, các loài thủy hải sản sinh sống rất nhiều. Lần lượt từng ngư phủ mang đồ bảo hộ lặn xuống đuổi cá, xua tôm bơi về hướng lưới. Cứ thế từng con tôm hùm, cá bống mú đỏ, chình biển và cua huỳnh đế… lần lượt nằm gọn trong boong tàu. Sau mỗi lần hụp lặn, phì phà khói thuốc bên bình trà giữ nóng làm ấm cơ thể, anh Tình tua lại những “thước phim” về cuộc đời mình như đám lục bình trôi giữa dòng nước xoáy. 12 tuổi - cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, anh Tình theo cha lênh đênh đến tận Quần đảo Trường Sa đánh cá vài tháng mới trở về. “Mặc dù xa bờ nhớ vợ con, nhưng khi nhìn thấy lá cờ Tổ Quốc tung bay trên các đảo, nhà giàn ở Trường Sa là không còn cảm giác nhớ nhà, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay giống như là thấy nhà mình. Ngư dân Phú Quý xem biển như máu thịt, biển đã khắc sâu trong tiềm thức. Xúc động hơn, khi gặp bão lớn hay ốm đau, thuyền ngư dân vào trú ẩn là các chiến sĩ các đảo chăm sóc tận tình, cho thuốc men và điều trị”, anh Tình chia sẻ.

img-5056.jpg

Ngư dân cho biết thủy hải sản khu vực đảo Phú Quý rất phong phú.

Đêm trên biển đen kịt, ánh đèn điện các tàu thuyền phía khơi xa lập lòe như đom đóm. Dõi mắt ra biển mịt mù, xa xăm, những ngư phủ trên thuyền ai cũng có cùng tâm trạng chung - họ nhìn lại quãng đời lênh đênh nơi đầu sóng, ngọn gió với sướng - khổ xen cài. Bởi họ sinh ra đã nghe tiếng sóng rì rào của đại dương vỗ vào “đảo ngọc”. Là ngư dân nòi, rành từng con sóng, luồng nước, luồng cá, biển cho thì biển cũng lấy đi, biển hào phóng nhưng biển cũng rất khắc nghiệt, dữ dằn. Với ngư dân, chiếc tàu và lưới là cả một gia sản gắn liền với cuộc đời, nồi cơm manh áo. Chuyện sóng đánh vỡ tàu, mất trắng lưới cá, thậm chí bỏ mạng sống… là điều khó tránh khỏi. Nghề đi biển cũng như “trò đỏ đen” đánh cược với biển cả, phải chấp nhận “canh bạc” của cuộc đời!

Gió đông bớt lồng lộng, hừng đông ló dạng phía chân trời mà hàn huyên vẫn chưa dứt. Hướng tay về đám mây hồng hình dáng vảy tê tê, các ngư dân nghêu ngao câu ca: “Bao giờ trời kéo vảy tê, sắp gồng sắp gánh ta về kẻo mưa”.

Khi thuyền cập bến, chúng tôi thoáng thấy chị Hường vợ anh Tình cùng những người phụ nữ khác đã đứng đợi từ lúc nào. Thấy chồng mình bước lên bờ, chị Bức - vợ một ngư phủ vội ẵm đứa con gái 3 tuổi nhanh chân lại gần. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông cười rạng rỡ với vợ, rồi ôm con gái vào lòng hôn xuýt xoa khiến những ai chứng kiến không khỏi lâng lâng… ánh lên niềm thiêng liêng của tình phụ tử. Sau khi xuống cá bán cho thương lái, vá lưới, dọn dẹp xong, họ nhanh chóng về nhà. Với họ… đó là phút giây hạnh phúc nhất, bởi không có món nào ngon bằng bữa cơm gia đình.

Đình Du