Bác Hồ và sự nghiệp xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 09:59, 20/06/2022
Chính trong cuộc hành trình vĩ đại đó, Người nhận thức ra vai trò cực kỳ quan trọng của báo chí. Người thường nhắc lại câu nói của Lênin: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung.
Người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng trưởng thành
Từ năm 1923, tại Paris, cùng với việc cho ra đời tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria), trong Truyền đơn cổ động mua Báo “Người cùng khổ", Bác viết: "Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới nếp lá cờ đỏ búa liềm, để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn, quét sạch mọi kẻ thù bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ" (Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.151).
Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật ở nước ngoài, Bác vẫn quan tâm thường xuyên đến việc giác ngộ cách mạng cho đông đảo người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Cũng trong thời gian đó, Người cho ra đời báo "Việt Nam hồn". Trong Truyền đơn cổ động mua Báo “Việt Nam hồn", Bác từng viết những lời tha thiết: "Mình người nước Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán văn, không xem Pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai, tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy. Phận mình đã vậy, việc nước thế nào, anh chị đồng bào, có hay chăng nhẽ! Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc" (Tạp chí Học tập, số 4/1975).
Người thường nhắc lại câu nói của Lênin: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung.
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác trở về nước, hoạt động bí mật tại Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, Người thành lập Mặt trận Việt Minh và lập tức cho ra tờ báo "Việt Nam độc lập", gọi tắt là Việt lập. Dù bận rộn rất nhiều công việc, nhưng do tầm quan trọng của tờ báo cách mạng đầu tiên, Bác vừa trực tiếp chỉ đạo, duyệt bài, viết bài, vẽ tranh; đôi khi Người còn làm nhiệm vụ lấy tin, in báo. Nhiều bài thơ của Người cũng được in ra trên tờ "Việt Nam độc lập". Đáng chú ý là bài "Cổ động báo Việt Nam độc lập":
Việt Nam độc lập thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già.
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đón mừng Xuân Bính Tuất (1946), tờ báo "Quốc gia" - cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước tại Hà Nội ra đời. Ban Biên tập có đến xin thơ của Bác. Bác gửi bài thơ "Mừng báo Quốc gia":
Tết này mới thật Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo "Quốc gia"
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón Xuân Dân chủ
Cả nước vui chung Phúc Cộng hòa
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa
(Báo Nhân dân, ngày 7/5/1980).
Bác coi báo chí là tờ hịch cách mạng
Trong những lần tiếp xúc với các nhà báo, các văn nghệ sĩ, Bác tự nhận mình có nhiều duyên nợ với báo chí. Bác coi báo chí là tờ hịch cách mạng. Đã là tờ hịch thì phải mang tính mục đích chính trị rõ rệt. Nhưng tính mục đích chính trị đó lại phải thích hợp với từng đối tượng cụ thể. Năm 1948, trong Thư gửi báo “Bạn chiến đấu”, Bác nhắc nhở Ban Biên tập những lời tâm huyết: "Rất cám ơn các bạn về những số báo của "Bạn chiến đấu". Đây là một vài ý kiến nhỏ đề nghị với các bạn: Tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc, chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc. Bởi vậy, cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm cho họ vui cười, những tin tức ngắn về nước Đức và nước Pháp... Nói tóm lại, cần làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc, để lôi cuốn họ về phía chúng ta. Không nên viết những vấn đề chính trị lớn đương thời. Các bạn nghĩ thế nào" (Bản dịch đăng Báo Quân đội nhân dân, ngày 19/5/1977).
Theo Bác, người làm báo phải nhận thức được vai trò mình là người cán bộ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén.
Cũng trong năm 1947, 1948, 1950, Bác liên tiếp gửi thư cho các báo "Vệ quốc quân", báo "Xung phong", cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương; gửi "Quân nhân học báo", báo "Quân du kích", báo "Cứu quốc"... Trong các ý kiến của mình, Bác không những khẳng định mục đích chính trị của từng tờ báo, mà còn góp ý về "câu chuyện bếp núc" của báo. Ví dụ, đối với báo "Cứu quốc", Bác đề nghị "mỗi ngày nên đăng một cái "bảng vàng", kể một việc oanh liệt trong cuộc kháng chiến. Nói vắn tắt, nhưng rõ và ít theo lối tiểu thuyết, chừng 15, 20 dòng, đóng khung. Mục đích cốt để nâng cao ý chí kháng chiến của dân... chớ nói tếu quá. Tên người và địa điểm, không nói rõ..." (Bút tích lưu trữ tại Viện Bảo tàng cách mạng).
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, quân dân miền Bắc còn có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt ở miền Nam đấu tranh giành tự do và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trước tình hình đó, các hoạt động báo chí càng có điều kiện phát triển và đóng vai trò quan trọng.
Chó tñnh àïën năm 1962, ca miền Bắc đã có hơn 150 tờ báo, bao gồm cả các báo tỉnh, báo ngành. Đó là thuận lợi lớn cho công tác phát triển văn hóa, tuyên truyền giáo dục tư tưởng trong các tầng lớp cán bộ và nhân dân. Trước tình hình mới của cách mạng và yêu cầu ngày càng cao về công tác thông tin và tuyên truyền của quần chúng nhân dân, Bác đã nhiều lần chỉ ra chỗ mạnh, chỗ yếu của các tác phẩm báo chí và đề ra những yêu cầu cụ thể cho những người làm báo. Trong "Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam" ngày 8/9/1962, Bác nhắc nhở những người làm báo phải xác định cho rõ 3 câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?
Để trả lời 3 câu hỏi đó, theo Bác, người làm báo phải nhận thức được vai trò mình là người cán bộ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. "Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chính sách chủ trương của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...".
Bác luôn xem trọng vai trò phê bình và tự phê bình của báo chí
Vì báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức, người lãnh đạo chung, nên Bác đề cao vai trò của công tác phê bình và tự phê bình của báo chí. "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn... nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, "trị bệnh cứu người". Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm". Đối với những người và những cơ quan được báo chí phê bình, thì dù "bất kỳ ở địa vị nào" phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được "phớt" lời phê bình và "trù" người phê bình" (Xem bài phát biểu của Bác tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam. In trong cuốn "Về công tác văn hóa, văn nghệ", Nxb Sự thật, Hà Nội,1977, tr.74).
“Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác... Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc... Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng” - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngay từ năm 1954, trên báo “Nhân dân”, số ra ngày 1/5 và 5/5/1954, dưới bút danh C.B., Bác cho đăng bài "Mấy khuyết điểm của báo chí ta", trong đó Bác viết: "Đối với các ngành hoạt động, nêu các thành tích - thế là đúng. Nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm. Thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng "đánh trống bỏ dùi", không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? và sau khi phê bình, những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm điểm chưa?".
Điều mà Bác đã chỉ ra từ 68 năm qua, hiện nay đang trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng, được toàn Đảng và toàn dân quan tâm. Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, báo chí đã và đang đóng góp vai trò không nhỏ trong việc đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời về những thành tích và những khuyết điểm của các ngành, các tổ chức xã hội, các cá nhân... qua đó giúp nhân dân và các cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước có cái nhìn toàn diện, chính xác hơn về thực trạng xã hội. Một số mô hình tốt, qua báo chí, đã được phát hiện, được nhân rộng. Trái lại, một số cách làm ăn gian dối, đã bị thanh tra, xử lý. Việc phát hiện một số vụ án lớn, đã có phần đóng góp không nhỏ của báo chí. Cố nhiên, cũng như bất cứ hoạt động nào khác, đã có một số ít nhà báo bị lóa mắt trước đồng tiền và đã bán rẻ lương tâm và trách nhiệm của mình. Họ đã bị dư luận xã hội lên án, bị pháp luật trừng phạt.
Người dạy: Cần phải xem báo Đảng
Là người có duyên nợ với báo chí, đã từng sáng lập một số tờ báo và viết rất nhiều bài cho các báo, Bác Hồ đã có nhiều nhận xét và lời khuyên rất tinh tế và chân tình đối với các nhà báo. Ngay từ năm 1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác khuyên những người làm báo phải:
- Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người nước ngoài.
Trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: "Các báo của ta đều dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át đi" (Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.55).
Những lời khuyên đó, cho đến nay, chắc rằng vẫn là những lời kêu gọi khẩn thiết của xã hội đối với báo chí, đối với những người làm báo. Trong cuộc sống hiện nay, với những điều kiện và tiện nghi hiện đại, người làm báo dễ bị giam mình trong các phòng bé nhỏ của mình, để rồi ngày càng xa dần cuộc sống sôi động đang diễn ra trên mọi miền đất nước, đặc biệt ở những vùng khó khăn, nơi trước đây đã từng nuôi dưỡng phong trào cách mạng. Liệu điều đó có làm nguội lạnh trái tim của người cầm bút không?
Nói về báo chí là nói về những người viết báo, quản lý báo chí... Tuy nhiên chưa đủ. Nói về báo chí không thể không nói đến bạn đọc, vì nhà báo viết báo không phải cho mình đọc, mà cho cả xã hội, đặc biệt những người có trọng trách xã hội. Đây là lý do tồn tại của báo chí.
Trong xã hội thông tin hiện nay, với sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, báo chí đang phải đương đầu với các luồng thông tin trên mạng. Điều này đã diễn ra và sẽ diễn ra một cách gay gắt. Trong tình hình đó, việc nâng cao nội dung và cả hình thức của các tờ báo là rất quan trọng. Phải bằng mọi nỗ lực để người đọc cảm nhận được độ chính xác của các thông tin, sự trong sáng của ngôn từ, sự chân thực trong niềm tin và tầm trí tuệ của người viết báo. Sức sống của báo chí trong thời đại hiện nay chủ yếu là ở đó.
Mặt khác, những người có trọng trách ở các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội... phải có trách nhiệm với báo chí, phải là những bạn đọc thường xuyên của báo chí. Ngay từ năm 1954, dưới bút danh C.B., Bác đã viết bài "Cần phải xem báo Đảng". Bác viết: "Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác... Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc... Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng. Có đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay" (Báo Nhân dân, tháng 6/1954).