Xây dựng cơ chế giá mới cho điện mặt trời

Kinh tế - Ngày đăng : 17:09, 17/06/2022

(TN&MT) - Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư, quy định về khung giá và xây dựng cơ chế đấu thầu cho chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện, Thông tư này vẫn đang trong quá trình dự thảo. Thông tin từ ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương vừa diễn ra.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, hiện nay, có hơn 8 GW ĐMT mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW ĐMT mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW ĐMT được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỉ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ĐMT chỉ phát được vào ban ngày nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.

anh-1(3).jpg
Điện mặt trời đang cần chính sách giá mới

Ông Hùng nhấn mạnh, cơ chế hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay, không còn phù hợp nữa.

Thời điểm điện mặt trời phát triển “nóng”, những cơ chế ưu đãi này đã giúp hệ thống ĐMT phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Cụ thể, với ĐMT mặt đất, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế cho ĐMT đưa ra giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam đưa ra mức giá 7,09 cent/kWh, trong khi ĐMT áp mái là 8,38 cent/kWh. Cơ chế giá điện FIT ban hành theo 2 Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/12/2020, các dự án sau thời gian này, không được áp dụng cơ chế này nữa.

Theo các chuyên gia, khoảng trống về chính sách 2 năm qua đã khiến hoạt động phát triển điện mặt trời chững lại. Các hợp đồng mua bán điện không khả thi để vay vốn chính là rào cản lớn trong việc thu hút nhà đầu tư. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, kịch bản tối ưu hóa chi phí để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này là công suất điện mặt trời (ĐMT) đạt 38 GW vào năm 2030, tiến tới 950 GW vào năm 2050. Con số này sẽ trở thành hiện thực nếu Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào mở rộng lưới điện truyền tải. Nhưng trước mắt, nhà đầu tư đang mong mỏi các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư vào dự án ĐMT cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Khánh Ly