Agribank góp phần ngăn chặn tín dụng đen

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:27, 16/06/2022

Agribank đã thực hiện tốt các giải pháp giúp người dân tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55 của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN đối với lĩnh vực tín dụng nông nghiệp - nông thôn như đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, lãi suất cho vay thông thường, cho vay theo lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và NHNN.

Tín dụng đen giảm mạnh

Vấn nạn tín dụng đen đã được nhiều cơ quan chức năng tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn có người “sập bẫy”, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Chính vì vậy, đó luôn là hiểm họa và là nỗi lo được nhiều nông dân phản ánh tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra tại Sơn La mới đây.

Cảm thông với những lo lắng của bà con nông dân, tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, đây luôn là vấn đề gây nhức nhối trong nhiều năm qua. Phó Thống đốc nhớ lại, năm 2017 khi khảo sát ở nhiều địa phương, ông đã chứng kiến nhiều chuyện đau lòng. “Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình đó là phải làm tốt được tín dụng chính thức thì người dân sẽ bớt vướng vào tín dụng đen. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để loại trừ, giảm bớt, dần dần tiến tới triệt tiêu tín dụng đen”, ông Tú nhấn mạnh. Chính vì thế, ngành Ngân hàng cùng Bộ Công an và nhiều bộ ngành khác đã và đang nỗ lực vào cuộc ngăn chặn tín dụng đen. Cho đến nay, số vụ việc về tín dụng đen đã giảm hơn một nửa so với năm 2017, theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.

tot-hon-moi-ngay-4.jpg

Để có được kết quả này, về phía ngành Ngân hàng, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, thời gian qua, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động và chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tại các TCTD.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 QTDND, 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.

Đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - địa bàn dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen” đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 6,7% so với cuối năm 2021. Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021.

Vai trò và sự đồng hành của Agribank

Góp phần vào việc hạn chế tín dụng đen tại vùng nông thôn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặc biệt đề cao vai trò của Agribank. Theo đó, nổi bật là chương trình tín dụng quy mô lớn mà NHNN giao cho Agribank triển khai dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng và được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản đảm bảo. Doanh số lũy kế của chương trình đến nay đạt gần 65.000 tỷ đồng, gấp 13 lần quy mô dự kiến ban đầu, với gần 700.000 lượt khách hàng được vay vốn.

Thực tế, Agribank luôn là đơn vị đi đầu trong việc đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này đến nay là gần 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng hộ sản xuất và cá nhân là hơn 956 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ hơn 65% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank.

Góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank còn triển khai đa dạng các giải pháp, đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ như Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến vùng sâu vùng xa. Trong đó nổi bật là Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, triển khai sản phẩm Thẻ tích hợp ghi nợ và tín dụng nội địa Lộc Việt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của người dân.

Bên cạnh đó, Agribank đã thực hiện tốt các giải pháp giúp người dân tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55 của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN đối với lĩnh vực tín dụng nông nghiệp - nông thôn như đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, lãi suất cho vay thông thường, cho vay theo lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ cấu kết tiếp tay cho các hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi; Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền các cấp đấu tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của tín dụng đen đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.

Từ thực tiễn hoạt động tín dụng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng, nhà nước về tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn và hạn chế hoạt động tín dụng đen trong nền kinh tế - xã hội, Agibank khẳng định, sẵn sàng bố trí đủ vốn đầu tư cho vay đáp ứng các nhu cầu vay vốn theo quy định; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi nhất để phát triển nông nghiệp - nông thôn…

Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN và Agribank để mọi người dân đều nắm bắt kịp thời các chính sách vay vốn, từ đó có đầy đủ thông tin và lựa chọn kênh vay vốn tại ngân hàng, không vay vốn từ các thành phần cho vay nặng lãi, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trong nền kinh tế.

Trung Dũng