Hải Dương: Chủ động bảo vệ các trọng điểm đê điều khi nước sông lên cao

Môi trường - Ngày đăng : 12:03, 16/06/2022

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương vừa có đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều khi nước sông lên cao.

Hiện hồ thủy điện Hòa Bình đã mở 4 cửa xả đáy và có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả trong những ngày tới. Mực nước hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình đang lên nhanh. Lúc 7 giờ ngày 15.6, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại là 2,57 m (thấp hơn mức báo động I là 1,43 m), sông Luộc tại Bến Trại là 1,85 m (thấp hơn mức báo động I là 0,95 m).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn và mưa lớn xảy ra ở Bắc Bộ nên từ ngày 15-17/6, hạ lưu các sông khu vực Hải Dương xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-2 m. Trong đợt lũ này, một số sông có khả năng lên mức báo động số I và trên báo động số I.

hai-duong.jpg
Kè Ba Kèo thuộc tuyến tả Kinh Thầy đoạn qua phường Đồng Lạc (Chí Linh) được xác định là trọng điểm cần được bảo vệ do đang có dấu hiệu sạt lở

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông. Đồng thời, tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo cấp báo động; phát hiện, xử lý kịp thời sự cố đê, kè, cống ngay từ giờ đầu. Kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công trên các tuyến đê, các vị trí sạt lở kè, bãi sông chưa được xử lý và triển khai ngay biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều. Rà soát, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra...

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương xác định có 25 trọng điểm đê điều cần được bảo vệ trong mưa bão năm nay, tăng 1 trọng điểm so với năm trước.

Trong đó có 2 trọng điểm đê điều cấp tỉnh là cống Ngọc Trì thuộc bờ hữu sông Lai Vu (Nam Sách) và đùn sủi đê tả sông Thái Bình ở xã Thanh Hồng (Thanh Hà), các trọng điểm còn lại giao cấp huyện theo dõi, xây dựng phương án bảo vệ.

Kim Thành là huyện nhiều nhất với 7 trọng điểm đê điều cần được bảo vệ. Các huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ mỗi nơi có 4 trọng điểm. Huyện Nam Sách có 3 trọng điểm. TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Ninh Giang mỗi nơi có 2 trọng điểm và thị xã Kinh Môn 1 trọng điểm. Các trọng điểm là bờ lở, bờ kè có diễn biến sạt lở, dòng chảy áp sát bờ, nền địa chất yếu; cống dưới đê xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng.

Hải Dương được bao quanh bởi 6 con sông lớn: sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Luộc, sông Rạng, sông Gùa. Vì thế hệ thống công trình đê điều của tỉnh Hải Dương khá dày, gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài 374 km, trong đó đê từ cấp III trở lên 256 km, 118 km đê cấp II và cấp I ; 81 tuyến kè, 10 vị trí bờ lở và 279 cống dưới đê. Hải Dương đã có những trận lụt lớn như trận lụt năm 1971 do vỡ đê sông Thái Bình và phải xả lũ đầu nguồn, thiệt hại rất lớn tới người và tài sản trên địa bàn 10/12 huyện, thị xã khi đó.

Phạm Duy