Tham vấn kinh nghiệm thúc đẩy nền kinh tế phát thải ròng bằng 0
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:24, 15/06/2022
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KTTV&BĐKH; ông Sam Wood, Phó Tổng Lãnh sự, Trưởng phòng Thương mại đầu tư, Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM; bà Trần Thị Hải, Giám đốc Chương trình Phát triển bền vững, Tổ chức WWF-Việt Nam; đại diện các tổ chức NGO, CSO, Viện/Trường Đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp thành viên và đối tác của Liên minh Hành động vì khí hậu.
Bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH nhấn mạnh: Là một trong những quốc gia bị tác động mạnh bởi BĐKH, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa sống còn để phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng, an toàn và góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Thỏa thuận Paris.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đại diện Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ chung tay cùng các quốc gia về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này, cần phải tăng cường sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Theo bà Huỳnh Thị Lan Hương, hiện nay, đã có gần 150 quốc gia công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Các nước G7, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã tuyên bố không tài trợ cho các dự án phát điện sử dụng than. Các biện pháp như đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu dựa trên các-bon, thúc đẩy thương mại hàng hóa xanh, xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, đảm bảo các đối tác thương mại áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao, phát thải các bon thấp, trợ cấp cho các ngành công nghiệp ít phát thải… đang được áp dụng ngày càng rộng rãi để buộc các quốc gia phát triển kinh tế các-bon thấp, sử dụng năng lượng sạch.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu phát thải ròng 0 không vào cuối thế kỷ, các nước đã áp dụng những công cụ chính sách đa dạng dựa vào thị trường và các công cụ khác trong chiến lược dài hạn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Với mong muốn thúc đẩy sự tham gia và hành động vì khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Viện Khoa học KTTV&BĐKH phối hợp với WWF tổ chức Hội thảo này để chia sẻ các thông tin về thực trạng BĐKH của Việt Nam hiện nay, giới thiệu và hưởng ứng chiến dịch Race to Zero, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các đối tác đã tham gia Race to Zero để ứng phó với BĐKH và thực hành cam kết Net-Zero. Thông qua Hội thảo, Phó Viện trưởng Huỳnh Thị Lan Hương mong muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin chung về Chiến dịch Race to Zero, ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án WWF-Việt Nam, Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu cho biết, là chiến dịch do Chile và Vương quốc Anh khởi xướng vào Ngày Môi trường thế giới năm 2020, Chiến dịch Race to Zero đã huy động được sự chung tay tham gia của các bên thuộc khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào Liên minh Hành động vì khí hậu và có Kế hoạch cụ thể cho cam kết Net zero.
Theo đó, tính đến tháng 5/2022, Chiến dịch huy động cam kết của 1.122 thành phố, 67 khu vực, 7.552 doanh nghiệp, 441 nhà đầu tư lớn và 1.114 tổ chức giáo dục, 555 tổ chức tài chính/đầu tư, 63 tổ chức về sức khỏe và 25 tổ chức khác với mục tiêu giảm một nửa tổng lượng phát thải vào năm 2030 và đạt “net zero” vào năm 2050 và thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, ngăn ngừa các mối đe dọa khí hậu cho tương lai, tạo việc làm xanh và hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Bên cạnh đó, chiến dịch đã xác định những biện pháp hiệu quả nhất để tiến tới phát thải bằng “0” ở các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông, công nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và tài chính với nỗ lực này nhằm huy động hàng loạt các công ty và thành phố cam kết không phát thải carbon muộn nhất vào năm 2050 và thúc đẩy các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và tổ chức phi Chính phủ cùng phối hợp hành động.
Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương, tuyên truyền, quảng bá, góp phần giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của BĐKH, đại diện Trường Nguyễn Siêu, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Học thuật cho biết, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đã trở thành ngôi trường đầu tiên tại Hà Nội tham gia vào chiến dịch "Race To Zero" được chủ trì bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, với cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2025.
Theo đó, năm đầu tiên tham gia chiến dịch Race to zero, mặc dù, gặp khó khăn do đại dịch covid-19, nhà trường đã cố gắng và có những thành quả trong bước đầu tiên là cắt giảm lượng carbon và nâng cao nhận thức của học sinh cũng như đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường. Trong năm tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những hoạt động kể trên, nhà trường sẽ đi xa hơn trên hành trình "Race to zero" với những hoạt động không chỉ giới hạn ở việc giảm thiểu, mà còn bù đắp để cân bằng lượng carbon mà mình thải ra, tiến gần hơn tới mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến tham vấn kết quả nghiên cứu các điều kiện cho Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải ròng = 0; chia sẻ kinh nghiệm tham gia chiến dịch Race to Zero của khối doanh nghiệp và trường học;...