Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF): Hai mươi năm nỗ lực vì một Việt Nam xanh

Môi trường - Ngày đăng : 13:55, 14/06/2022

(TN&MT) - Tròn 20 năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam từ quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng đã tăng lên 1.000 tỷ đồng và trong tương lai gần là 3.000 tỷ đồng. Quỹ đã thực sự trưởng thành, lớn mạnh về nhân lực, phạm vi, quy mô hoạt động, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và cấp bách hiện nay trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam về 20 năm nỗ lực vì một Việt Nam xanh.

PV: Ông có thể phác họa về con đường hình thành và phát triển của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Thuận: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, với số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2003, Quỹ chính thức đi vào hoạt động, khi đó, Tiến sĩ Trần Hồng Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường (BVMT) được bổ nhiệm kiêm Giám đốc Quỹ cùng với 3 cán bộ giúp việc. Thời gian ban đầu đầy khó khăn, vất vả vì điều kiện làm việc và cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Sau đó, Quỹ từng bước được bổ sung cán bộ, củng cố tổ chức và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng một số văn bản tạo hành lang pháp lý, tiếp nhận nguồn vốn để đưa Quỹ đi vào hoạt động. Đến năm 2004, Quỹ đã tiếp nhận đủ nguồn vốn điều lệ là 200 tỷ đồng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ để hoạt động.

ong-thuan-gd-quy-bvmt.png
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Do yêu cầu ngày càng cấp bách đối với hoạt động BVMT, trên cơ sở các hiệu quả hoạt động của Quỹ, ngày 3/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 35/2008/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam. Theo đó, Quỹ được tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, mở rộng nhiệm vụ hoạt động và từng bước nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, ban hành các văn bản phục vụ việc quản lý và điều hành.

Ngày 26/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 78/2014/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam, tăng nguồn vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng và bổ sung thêm một số nhiệm vụ mới, trong đó có việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Quỹ được Bộ TN&MT giao xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg để phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới.

Ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó tại Khoản 1 Điều 158 quy định “Vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 3.000 tỷ đồng”.

Cùng với việc tăng vốn điều lệ, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ đã được hoàn thiện gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Cơ quan điều hành nghiệp vụ, với tổng số 103 cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó trên đại học là 38 người.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động và những thành tựu quan trọng mà Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã đạt được trong 20 năm qua?

Ông Nguyễn Đức Thuận: Trải qua 20 năm hoạt động, hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thể hiện trên 5 tiêu chí sau:

Thứ nhất, góp phần BVMT, giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính thông qua hoạt động cho vay ưu đãi, tài trợ và cơ chế phát triển sạch (CDM).

Thứ hai, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho đồng bào tại các địa phương xảy ra thiên tai (bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn) thông qua hoạt động hỗ trợ các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai

Thứ ba, bảo đảm việc thực hiện các đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản thông qua hoạt động nhận ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường

Thứ tư, Văn phòng GEF Việt Nam từ năm 2018 đến nay (từ khi chuyển về Quỹ) đã tham mưu Ban Chỉ đạo Quỹ môi trường toàn cầu của Việt Nam huy động được 84 triệu USD tài trợ không hoàn lại từ Quỹ môi trường toàn cầu (tương đương 1.930 tỷ đồng); từ nguồn vốn mồi không hoàn lại này sẽ huy động được khoảng 13.500 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quý góp phần tích cực BVMT, tăng cường đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc tế và ứng phó với BĐKH.

Thứ năm, hiệu quả về tài chính của Quỹ đã được khẳng định, từ khi thành lập đến nay, luôn có Thu lớn hơn Chi. Quỹ không những bảo toàn được vốn điều lệ mà còn tích luỹ được gần 500 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Về kết quả hoạt động cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư công trình BVMT, Quỹ đã cho vay gần 400 dự án với tổng số tiền giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng, góp phần BVMT, giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính.

z3489280594858_89abc49a9a20f5851b4470365ef0ae0f.jpg

Công tác tài trợ của Quỹ bắt đầu được thực hiện từ năm 2005 và đến nay đã thực hiện giải ngân 106,8 tỷ đồng. Tiền tài trợ được sử dụng đúng mục đích, góp phần kịp thời cải thiện môi trường và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất BVMT mà ngân sách Nhà nước không bố trí. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, Quỹ đã hỗ trợ khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai (bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn) tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho đồng bào tại các địa phương xảy ra thiên tai.

Quỹ cũng thực hiện tốt việc nhận ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận 364 dự án với số tiền ký quỹ đang quản lý là hơn 250 tỷ đồng, góp phần bảo đảm việc thực hiện các đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản.

Công tác quản lý các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) cũng được thực hiện từ năm 2009. Đến nay, Quỹ đã thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs) của 47 dự án với số tiền hơn 16 tỷ đồng, 1.239.000 EUR và 7.074 USD. Thực hiện nhiệm vụ trợ giá điện gió từ năm 2013, Quỹ đã thực hiện giải ngân tiền trợ giá cho dự án Phong điện 1 - Bình Thuận với số tiền 67,6 tỷ đồng và 86,6 tỷ đồng đối với dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu.

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Quỹ đã thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), hiện đã tiếp nhận tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo kê khai là 373,6 tỷ đồng.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, Quỹ còn quan tâm, chăm lo đến đời sống của viên chức và người lao động. Lãnh đạo Quỹ thường xuyên trao đổi, phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh... tổ chức tốt các phong trào thi đua, khen thưởng, xây dựng tập thể cơ quan đoàn kết, phát triển.

Chặng đường 20 năm của Quỹ BVMT Việt Nam cũng được khẳng định bởi hàng loạt thành tích, bằng khen, danh hiệu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và nhiều tổ chức khác.

PV: Nhìn nhận quá trình hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam trong chặng đường 20 năm qua, xin ông cho biết thách thức và cơ hội trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Thuận: Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm tăng sức ép ô nhiễm môi trường nên nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình BVMT ngày càng tăng. Các dự án BVMT thường là lợi nhuận thấp, nếu doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng với lãi suất thương mại thì khó có thể thực hiện thành công các dự án BVMT. Đó chính là thách thức và cũng là cơ hội để Quỹ BVMT Việt Nam hoạt động với ưu đãi về lãi suất (hiện từ 2,6 – 3,6%), thời gian cho vay lên đến 10 năm, thời gian ân hạn đến 2 năm.

Thứ hai, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó tại Khoản 1 Điều 158 quy định “Vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 3.000 tỷ đồng”, đây là cơ hội để Quỹ mở rộng quy mô hoạt động cho vay góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức vì một mặt cần đẩy mạnh doanh số cho vay (tăng trưởng tín dụng), mặt khác phải giảm nợ xấu và bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích.

Thứ ba, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, một số nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để xử lý chất thải, tái chế. Đây là nhiệm vụ mới của Quỹ, việc sử dụng kinh phí đóng góp của các tổ chức để xử lý chất thải, tái chế sẽ được thực hiện theo Thông tư của Bộ TN&MT, hiện nay Thông tư này đang được Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng dự thảo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Nguyên (thực hiện)