Ứng dụng khoa học – công nghệ để làm sạch đại dương

Thế giới - Ngày đăng : 13:55, 14/06/2022

(TN&MT) - Với thế mạnh về khoa học, đổi mới và công nghệ, Cơ quan khoa học quốc gia Australia - CSIRO đã cùng các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và chính phủ làm sạch các đại dương và bãi biển ở Australia.

Thúc đẩy kiểm soát rác thải từ cấp địa phương

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí One Earth và tiến hành dựa trên các cuộc điều tra rác ven biển trên diện rộng của CSIRO được hoàn thành vào năm 2013 và 563 cuộc điều tra ven biển mới, cũng như các cuộc phỏng vấn với các nhà quản lý rác thải tại 32 chính quyền địa phương trên khắp Australia. Nghiên cứu của CSIRO cho thấy, ô nhiễm nhựa trên các bãi biển của Australia đã giảm 29%, tương đương gần một phần ba.

Giám đốc điều hành CSIRO, Tiến sĩ Larry Marshall cho biết kết quả chỉ ra những gì có thể đạt được với cách tiếp cận theo nhóm của Australia (Team Australia). Thông qua Sứ mệnh Xử lý Rác thải Nhựa được CSIRO tuyên bố gần đây, CSIRO chú trọng tập trung phát huy thế mạnh khoa học, đổi mới và công nghệ để làm sạch các đại dương và bãi biển cho tất cả người dân Australia.

anh-1-csiro-khao-sat.jpg

CSIRO đã thực hiện 563 cuộc khảo sát ven biển mới và phỏng vấn các nhà quản lý chất thải tại 32 chính quyền địa phương

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Kathryn Willis từ Đại học Tasmania cho biết, việc kiểm soát rác thải trên toàn cầu được thúc đẩy ở cấp địa phương, vì vậy, nghiên cứu tập trung vào việc xác định phương pháp tiếp cận nào của chính quyền địa phương có tác dụng lớn nhất trong việc giảm ô nhiễm nhựa trên các bãi biển.

Theo Tiến sĩ Willis, nghiên cứu nhằm xác định các phương pháp tiếp cận của chính quyền địa phương có hiệu quả nhất trong việc giảm lượng nhựa ven biển và xác định các hành động có thể giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm nhựa.

Phân loại hoạt động quản lý chất thải

Nghiên cứu đã phân loại các hoạt động quản lý chất thải của chính quyền địa phương thành ba loại liên quan đến cách ngăn chặn việc xử lý chất thải yếu kém. Các phân loại này dựa trên ba lý thuyết đã được thiết lập về hành vi của con người.

Cụ thể, hành vi thứ nhất là có kế hoạch - các chiến lược như hướng dẫn tái chế, thông tin và chương trình giáo dục cũng như các sáng kiến tự nguyện làm sạch giúp giảm lượng rác ven biển. Hành vi thứ hai phòng chống tội phạm - các chiến lược quản lý chất thải như giám sát bãi thải bất hợp pháp và làm sạch bãi biển của chính quyền địa phương giúp tạo ra ít nhựa hơn trong môi trường. Hành vi thứ ba, tính hợp lý về kinh tế - các hành động như thu gom rác thải lề đường và tái chế, thu gom rác thải cứng và cấm túi mua sắm sẽ làm giảm lượng rác thải ở địa phương.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Denise Hardesty thuộc CSIRO cho rằng, nghiên cứu chỉ ra khi các chiến lược quản lý chất thải hiệu quả được triển khai, sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng. Chẳng hạn, dịch vụ thu gom hộ gia đình giúp các thành viên cộng đồng dễ dàng phân loại và loại bỏ rác thải của họ một cách hợp lý.

"Nghiên cứu của CSIRO cho thấy việc tăng thuế phí rác thải có tác động lớn thứ hai đến việc giảm ô nhiễm nhựa ven biển. Chính quyền địa phương đang chuyển từ tư duy thu gom và đổ thải sang cách tiếp cận phân loại và cải tiến”, Tiến sĩ Hardesty khẳng định.

Các hoạt động làm sạch, chẳng hạn như Ngày Clean Up Australia và các chương trình giám sát có sự tham gia trực tiếp của các thành viên trong cộng đồng cũng được cho là có hiệu quả. Theo Tiến sĩ Hardesty, việc tăng cường quản lý của cộng đồng đối với môi trường địa phương và các bãi biển mang lại lợi ích to lớn. Không chỉ bờ biển của Australia trở nên sạch hơn, mà mọi người có xu hướng đề phòng các hành vi xấu, thậm chí, sử dụng đường dây nóng để báo cáo hoạt động gây ô nhiễm bất hợp pháp.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các thành phố tự quản không cập nhật chiến lược quản lý chất thải theo thời gian, hoặc không dành ngân sách để quản lý chất thải ven biển, có bờ biển ô nhiễm hơn trong thời gian 6 năm nghiên cứu. Trong khi đó, các thành phố đã cải thiện thông tin về quản lý chất thải trên trang web của họ và tăng cường ngân sách cho chất thải ven biển ghi nhận tình trạng ô nhiễm nhựa dọc theo bờ biển giảm đáng kể.

Mai Đan - Tổng hợp từ phys.org