Chu kỳ tài trợ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) -7: Việt Nam đạt kết quả vận động tài trợ rất tích cực
Môi trường - Ngày đăng : 13:54, 14/06/2022
Việt Nam gia nhập GEF từ rất sớm (12/1994) và trải qua 7 chu kỳ tài trợ, chúng ta đã thực hiện 119 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 183 triệu USD (tổng kinh phí đồng tài trợ đạt xấp xỉ 2,2 tỷ USD), tham gia 56 dự án vùng/toàn cầu với kinh phí hỗ trợ 733 triệu USD (tổng kinh phí đồng tài trợ đạt trên 6,2 tỷ USD). Và Việt Nam ghi dấu ấn đặc biệt khi tổ chức rất thành công Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-6) vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng.
Văn phòng GEF Việt Nam được điều chuyển về Quỹ BVMT Việt Nam từ năm 2018. Từ khi tiếp nhận, Quỹ thực hiện rất tích cực và hiệu quả nhiệm vụ của Văn phòng GEF Việt Nam trong công tác tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo GEF Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn các cơ quan liên quan trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án vận động tài trợ từ GEF, đặc biệt trong công tác huy động kinh phí trong chu kỳ GEF-7 (từ 7/2018 - 6/2022). Văn phòng GEF Việt Nam cũng rất chủ động trong việc kết nối các cơ quan, tổ chức của Việt Nam với Ban Thư ký và các chuyên gia hàng đầu của GEF thông qua hình thức họp trực tuyến.
Đến tháng 12/2021, Việt Nam đã vận động tài trợ thành công cho 16 dự án từ nguồn GEF với tổng kinh phí đạt 83,8 triệu USD (khoảng 1.927 tỷ đồng), tăng 185% so với chu kỳ GEF-6, trong đó, nguồn Non-STAR tăng 5,6 lần. Đặc biệt, từ “nguồn vốn mồi” này, có thể huy động được gấp khoảng 7 lần vốn đồng tài trợ (tương đương 13.500 tỷ đồng). Đây là nguồn lực rất quý cho công tác BVMT, giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.
Tháng 2/2022, Giám đốc Quỹ BVMT Việt Nam kiêm Đầu mối tác nghiệp GEF Việt Nam đã được nhóm cử tri khu vực Đông Á của GEF (gồm 8 quốc gia: Campuchia, Lào, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam) bầu làm đại diện cho khu vực và là Ủy viên Hội đồng GEF toàn cầu trong nhiệm kỳ 2 năm (2022 - 2024), sau đó đã được Hội đồng GEF toàn cầu chính thức công nhận. Ủy viên Hội đồng GEF toàn cầu sẽ tham gia các cuộc họp của Hội đồng GEF toàn cầu, có quyền bỏ phiếu thông qua các chính sách, chương trình toàn cầu của GEF dựa trên cơ chế đồng thuận. Đây là cơ hội để thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên của GEF toàn cầu.