Phối hợp thông tin dự báo đến địa phương: Chủ động, linh hoạt, kịp thời, độ tin cậy cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:33, 13/06/2022
Thiên tai khắc nghiệt, cực đoan
Khu vực Trung Trung Bộ gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, có diện tích 34.833km2, chiếm 10,5% diện tích cả nước. Đây là khu vực có địa hình rất phức tạp, thời tiết khá khắc nghiệt - từ đang khô hạn có thể chuyển sang ngập lụt và ngược lại trong mùa mưa lũ cũng có thể xảy ra tình trạng hạn hán.
Trong khu vực hiện có 135 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, đo mưa, mật độ trạm trên đất liền đạt khoảng 1/258km2; có hơn 280 hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện, trong đó có các hồ chứa thủy điện vừa và lớn.
Năm 2021, khu vực Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng gián tiếp của 3 cơn bão và 1 ATNĐ, chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão số 5, 6; có 9 đợt nắng nóng trên diện rộng. Các đợt nắng nóng hầu hết xảy ra trên toàn khu vực, nhiều nơi diễn ra gay gắt đạt và vượt giá trị lịch sử cùng kỳ. Khu vực cũng hứng chịu 15 đợt mưa, trong đó, có 10 đợt mưa lớn trên diện rộng từ tháng 9-12. Mưa lớn gây ra 9 đợt lũ trên các sông trong khu vực.
Với khu vực Nam Trung Bộ, năm 2021 phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Các đợt thiên tai xảy ra dồn dập trong những tháng cuối mùa mưa lũ, một số sông trên khu vực tỉnh Bình Định, Phú Yên mực nước lũ đạt xấp xỉ mức lũ lịch sử, với chu kỳ trên 20-30 năm mới lặp lại. Đồng thời, cơn bão số 9 vào tháng 12/2021 đi qua đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có sức gió mạnh lịch sử, cấp 14, giật cấp 17.
Đảm bảo thông tin dự báo kịp thời, chính xác
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo của thiên tai, các Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp phối hợp, cung cấp thông tin dự báo kịp thời đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương; nhiều trường hợp, thông tin được cung cấp trực tiếp cho lãnh đạo địa phương để nhanh chóng chỉ đạo triển khai giải pháp phòng chống, ứng phó.
Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ Đinh Phùng Bảo cho biết, Đài đã chỉ đạo các đơn vị dự báo, quan trắc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ địa phương với mục tiêu thông tin diễn biến thiên tai được cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác nhất cho địa phương và cộng đồng.
“Hiện, Đài cung cấp cho dịa phương thông tin cảnh báo thiên tai chủ yếu qua email, zalo. Đài thành lập nhóm zalo gồm các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương và các đơn vị dự báo nên thông tin cung cấp lên nhóm được khai thác, sử dụng nhanh chóng, hiệu quả. Tại các huyện có trạm KTTV, các bản tin dự báo, cảnh báo cũng được thực hiện như vậy”, ông Đinh Phùng Bảo cho biết.
Ngoài ra, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai còn được cung cấp cho cộng đồng qua website của Đài, website của địa phương (nếu có), facebook, zalo. Tại TP Đà Nẵng, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và dự báo thời tiết còn được cung cấp lên Tổng đài dịch vụ công 1022 của thành phố. Trong các trường hợp đặc biệt, lãnh đạo Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh cung cấp thông tin trực tiếp với lãnh đạo địa phương để có sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nhất.
Ở góc độ khác, ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ cho biết, năm 2021 là năm thực hiện nhiệm kỳ mới của Chính phủ, cơ cấu tổ chức của nhiều địa phương có sự thay đổi, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo. Trước mùa mưa bão, Đài đã chủ động liên lạc với các địa phương để nắm bắt thông tin về lãnh đạo phụ trách công tác PCTT&TKCN, cũng như cập nhật các điểm xung yếu, các công trình trọng điểm ở địa phương,...
Đài cũng chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh làm việc và ký kết Quy chế phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, chủ hồ chứa thủy lợi để chủ động cung cấp thông tin 2 chiều phục vụ công tác điều tiết hồ chứa, hạn chế ngập lụt hạ du.
Khi có hình thế thời tiết nguy hiểm xảy ra, Đài chủ động liên hệ với các đơn vị phòng chống thiên tai ở địa phương để cung cấp thông tin cảnh báo sớm, trong đó nhận định chi tiết về khả năng cường độ, phạm vi ảnh hưởng, thời gian ảnh hưởng cũng như đưa ra các khuyến cáo về tác động của thiên tai. Các thông tin cảnh báo được cung cấp bằng nhiều hình thức như fax, email, zalo, nhắn tin, điện thoại...
Sau khi thiên tai kết thúc, Đài chủ động liên hệ với tỉnh để nắm bắt thông tin thiệt hại, cập nhật diễn biến thời tiết tiếp theo phục vụ địa phương trong công tác hỗ trợ, khắc phục người dân bị ảnh hưởng của thiên tai; tham gia các cuộc họp đánh giá và khắc phục thiên tai của địa phương.