Tổng Thanh tra Chính phủ: Không phải Tổng cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra

Trong nước - Ngày đăng : 23:33, 13/06/2022

(TN&MT) - Báo cáo, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội chiều 13/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, không phải Tổng cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra mà cơ bản chỉ được thành lập cơ quan Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở thuộc Sở mà pháp luật chuyên ngành quy định có tổ chức thanh tra xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần thiết và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ, đại diện cơ quan trình dự thảo luật đã báo cáo giải trình, tiếp thu các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

13.6.22-c-luat-thanh-tra-tong-thanh-tra-cp-1.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 26/5/2022. Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội. Chiều ngày 20/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, có 140 lượt đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến đối với dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu giải trình bước đầu tại Báo cáo số 869 ngày 9/6/2022 với 26 trang đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Qua 21 ý kiến thảo luận và tranh luận chiều nay tại hội trường, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay để đảm bảo nguyên tắc ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra, ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có phát sinh khiếu nại, tố cáo nên cần có cơ quan thanh tra để tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện.

Có ý kiến khác của một số đại biểu Quốc hội về nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức hoạt động của Thanh tra huyện cũng như tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của cơ quan Thanh tra cấp huyện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhất là tại một số Tổng cục lớn như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Đường bộ, v.v.. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác.

Đối với Thanh tra sở, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Thanh tra sở trên cơ sở căn cứ vào pháp luật chuyên ngành quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn, khối lượng công việc và tổng biên chế được trung ương giao cho địa phương.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đối với nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng đảm bảo tính thống nhất, khả thi, tinh gọn, tránh chồng chéo. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không phải Tổng cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra mà cơ bản chỉ được thành lập cơ quan Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở thuộc Sở mà pháp luật chuyên ngành có quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn cần thiết và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

13.6.22-c-luat-thanh-tra-2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn

Về trình tự thủ tục thanh tra, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kế thừa các quy định của Luật Thanh tra hiện hành theo hướng có một số khâu về trình tự, thủ tục mang tính khung áp dụng chung cho cả hai loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đồng thời có quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành thanh tra phù hợp với đặc điểm quản lý từng lĩnh vực.

Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng khung quy định khung một số khâu về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra cho hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như việc ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra ban hành kết luận thanh tra đồng thời quy định riêng về trình tự, thủ tục cho thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính phù hợp với đặc điểm quản lý nhà nước theo lĩnh vực và ngành.

Về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về quy chế quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra cơ giới, giám sát phải mang tính độc lập đối với hoạt động của Đoàn thanh tra; bổ sung các quy định về việc như tiếp xúc với đối tượng thanh tra việc ăn ở, đi lại, chế độ làm việc của Đoàn thanh tra phải đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình thanh tra.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm soát hoạt động các thành viên Đoàn thanh tra nhằm phòng chống, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa về các quy định này.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhằm phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra và hoạt động của Đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó là: “Phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện từng nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới.

24.-pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp theo 140 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, trong phiên họp chiều nay đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 2 đại biểu Quốc hội tranh luận, không khí thảo luận của Quốc hội rất sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ đại diện cho cơ quan trình dự thảo luật cũng đã có báo cáo làm rõ thêm một số nội dung trình với Quốc hội.

Qua thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều rất thiết thực, cụ thể, sâu sắc, rõ ràng, bao quát toàn diện các nội dung của dự thảo luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật này và cũng nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo luật nhưng cũng nêu thêm và phân tích sâu sắc kỹ càng những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có Báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu để gửi đến các vị đại biểu theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua.

Thanh Tùng