Đại biểu Quốc hội chất vấn tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc ở Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 16:34, 09/06/2022
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh dẫn thông tin của Báo Nhân dân hàng tháng số tháng 3/2022: "Không những tốc độ xây dựng chậm mà các tuyến đường bộ cao tốc ở Việt Nam còn phân bổ không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt tình trạng trắng cao tốc tại các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc.
Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố hiện chiếm 45% GDP cả nước và đóng góp 42% ngân sách quốc gia nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng và có dấu hiệu “lệch pha”. Nếu như cả nước hiện có 1.160km đường cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100km”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, tình hình trên kéo dài hàng chục năm qua, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông tiêu tốn nguồn lực cực lớn, hàng trăm tỷ USD của quốc gia và tác động trực tiếp vào hiệu quả của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì cản trở phát triển và lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ khắc phục?
Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều đã được Trung ương, Chính phủ nhận diện. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cao tốc, đặt mục tiêu làm 5.000km để cân đối và khai thác tiềm năng các vùng miền. Ví dụ dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội là không gian phát triển các đô thị, trung tâm kinh tế lớn nên cần quyết tâm đầu tư công để hoàn thành.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được phản ánh hệ thống cao tốc yếu kém, thu hút đầu tư khó khăn. Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề để kết nối các tuyến đường cửa ngõ vào Đồng bằng sông Cửu Long và tạo kết nối liên vận quốc tế với Campuchia, nhằm tạo đột phá cho vùng.
Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến cao tốc cứu cánh cho cả tuyến Đông Nam Bộ. Không có tuyến cao tốc này sắp tới hàng hóa không xuống được cảng Cái Mép - Thị Vải. Hiện quốc lộ 51 quá tải, nên đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công để sớm hoàn thành. Hay làm tuyến cao tốc từ Tây Nguyên xuống Nam Vân Phong để phát triển vùng này theo hướng công nghiệp...
Quy hoạch, kế hoạch của Đảng, Nhà nước thì một số vùng có tiềm năng thế mạnh cần đầu tư cao tốc để tạo đột phá, thu hút đầu tư. Hoặc vùng phát triển tốt, hạ tầng tắc nghẽn cũng "cần đầu tư mở rộng thêm".
"Những người làm công tác giao thông rất mừng vì nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ ủng hộ lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được sự mất cấn đối giữa các vùng miền.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu hiện trạng giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Bắc Kạn là "ba không": Không có đường sắt, không có đường thủy và không có đường hàng không nên chỉ trông chờ duy nhất vào đường bộ.
"Sáng nay Bộ trưởng nói một số địa phương vùng khó khăn thì dự án giao thông sẽ chậm một chút. Vậy dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn bao giờ sẽ tổ chức thực hiện", đại biểu Nguyễn Thị Thủy chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết có những dự án quy mô lớn thì báo cáo Chính phủ, còn dự án nhóm A dưới 10.000 tỷ đồng thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật Đầu tư công. Dự án Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội chấp thuận, hiện đã có vốn và Ban quản lý dự án 2 của Bộ Giao thông vận tải đang hoàn chỉnh thủ tục để bàn giao mặt bằng cho tỉnh Bắc Kạn, sau đó triển khai.
Với kế hoạch 4 của nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng địa phương hoàn thành dự án vì nguồn vốn đã được bố trí đầy đủ. "Quá trình triển khai mong đoàn đại biểu Quốc hội và địa phương hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng vì khu vực miền núi địa hình phức tạp, nếu không có mặt bằng sớm, có những vị trí phải xử lý nền đất yếu, làm không kịp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trịnh Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, trong Kỳ họp này, Chính phủ đã có Tờ trình đối với 5 dự án giao thông trọng điểm để mở rộng không gian đô thị cũng như tạo ra các hành lang liên kết vùng để phát triển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nếu được Quốc hội thông qua, Bộ sẽ có giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý các dự án, đảm bảo nguồn cung ứng vật tư cho các công trình giao thông?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngoài 5 dự án cao tốc đang trình, ngành Giao thông vận tải đang triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, cũng như 12 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay khởi công. Việc này rất khó khăn cho các địa phương về vật liệu xây dựng.
Về quản lý dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện các địa phương đều có ban quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý tất cả công trình từ giao thông, xây dựng, nông nghiệp, trong đó có cả công trình vốn ODA. Do đó, Bộ đang kiến nghị các địa phương chọn một ban mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất để hình thành Ban quản lý dự án chủ lực cho tỉnh.
Các Ban quản lý dự án có thể thuê chuyên gia, những người có kinh nghiệm ở các cơ quan, doanh nghiệp tập hợp thành lực lượng mạnh; có thể liên doanh, liên kết với Ban quản lý dự án ở trung ương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành liên doanh điều hành dự án.