Nhiều ý kiến góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:00, 09/06/2022

(TN&MT) - Sáng 9/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo về đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).
img_0473(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Bộ TN&MT được Chính phủ giao nhiệm vụ lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), đến nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật cơ bản đã hoàn thành.

img_0439(1).jpg
Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Về quan điểm xây dựng văn bản, Luật Khoáng sản (sửa đổi) thực hiện đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với tài nguyên địa chất, khoáng sản. Trong đó, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý; việc khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Các quy định của Luật Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, gắn với yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.

Luật Khoáng sản (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.

Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản tập trung giải quyết đối với 5 Chính sách lớn gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; Hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.

Để phù hợp với các chính sách trong đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), dự thảo Luật được kết cấu thành 12 Chương, 134 Điều.

img_0410(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, về cơ bản, các ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới.

Đồng thời ủng hộ đề xuất của Bộ TN&MT về việc sửa tên Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo 2 phương án: Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản hoặc Luật Địa chất và Khoáng sản.

Cụ thể về đề xuất này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Theo nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ TN&MT có trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước, thực trạng thi hành pháp luật về khoáng sản và chủ trương, chính sách của Đảng, Bộ TN&MT đề xuất, xin ý kiến về việc điều chỉnh tên dự án Luật từ “Luật Khoáng sản (sửa đổi)” thành Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản. Việc này để đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ của quy định về quản lý nhà nước về địa chất, tài nguyên địa chất, khoáng sản và điều kiện địa chất khác, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho rằng, cần làm rõ nội hàm địa chất trong Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo ông, trước đây, địa chất chủ yếu phục vụ tìm kiếm mỏ, không đề cập đến phục vụ dân sinh, do đó, ông mong muốn Luật mới chú trọng đến mảng địa chất phục vụ dân sinh, phục vụ kinh tế - xã hội.

Theo đại diện Bộ Công thương, Bộ TN&MT cần xem xét đưa 1 số điều chi tiết vào Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo hướng gọn nhẹ, không cồng kềnh, phức tạp; luật hóa chi tiết và đưa vào những nội dung cần thiết, cũng như những tồn tại vướng mắc, những khái niệm về khai thác chế biến sâu, khai thác khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản…

Nhiều ý kiến cũng tập trung vào các Chương, Điều và Khoản cụ thể của Luật Khoáng sản (sửa đổi); các chính sách trong đề nghị xây dựng Dự án Luật…

Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổng hợp và tiếp thu ý kiến của các đơn vị tại cuộc họp để sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Mai Đan