Cần sửa đổi một số vướng mắc về quản lý đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 08:32, 09/06/2022

(TN&MT) - Theo ý kiến đóng góp xây dựng Luật Đất đai của các bộ, ngành, địa phương, một số vấn đề cần xem xét thấu đáo hơn trong sửa Luật tới đây. Đó là việc quản lý bảo vệ công trình có hành lang bảo vệ an toàn và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình quảng cáo.

Khó khăn trong bồi thường hành lang bảo vệ an toàn

Để quản lý bảo vệ công trình có hành lang bảo vệ an toàn, khoản 2 Điều 56 Nghị định 43/2014/ NĐ-CP quy định: Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với UBND nơi có công trình xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn cụ thể và trình UBND cấp tỉnh nơi có công trình phê duyệt.

4.jpg

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời hiện cần nhiều thủ tục.

Tại khoản 4, Điều 157, Luật Đất đai 2013 quy định: Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu như việc cắm mốc hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp hiện không triển khai được do: Hiện, chưa có quy định về mốc giới và cắm mốc giới nên các đơn vị vận hành lưới điện cao áp không có cơ sở để xây dựng phương án cắm mốc trình UBND phê duyệt để thực hiện, UBND cấp tỉnh cũng không có cơ sở để phê duyệt; trường hợp nhiều đường dây khác cấp điện áp đi chung cột (ví dụ đường dây 220Kv đi bên trên, đường dây 110Kv đi dưới), hành lang 220Kv sẽ bao trùm hành lang đường dây 110Kv thì có mốc thế nào.

Bên cạnh đó, một số trường hợp quy định này không khả thi như ranh giới hành lang bảo vệ an toàn đường dây không thuộc không gian lòng đường giao thông (đường dây đi trên hè hoặc gần đường giao thông) hoặc khi ranh giới hành lang bảo vệ an toàn đường dây có nhà nằm sát liên quan (khu vực nội thị).

Đối với phần ngoài hành lang, hiện nay pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ chỉ quy định về bồi thường hỗ trợ trong hành lang; để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với đặc thù khi xây dựng từng loại công trình có hành lang bảo vệ, cần bổ sung một số quy định về bồi thường đối với đất tài sản gắn với đất nằm ngoài hành lang.

Ví dụ: đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện cao áp, cần thiết phải có quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm ngoài hành lang và ở khu vực có điện trường cao hơn ngưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người sống bên trong; đối với cây ngoài hành lang nhưng đổ về phía công trình điện lực có thể gây sự cố, tai nạn.

Đối với phần trong hành lang, đã có quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đối tượng bị giải tỏa theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 47/2014/NĐ-CP nhưng chưa có quy định về bồi thường đối với đối tượng được tồn tại trong hành lang như: nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, điện áp đến 220Kv.

Xây dựng công trình quảng cáo: Nhiều thủ tục

Một vấn đề khác là về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 để xây dựng công trình quảng cáo còn nhiều khó khăn. Điều 57 Luật Đất đai quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên trên thực tế, đặc thù của các công trình quảng cáo ngoài trời chỉ là công trình nhỏ, đơn lẻ, nằm rải rác trên các đồng ruộng dọc theo tuyến quốc lộ, với tính chất tạm thời không quá 5 năm. Mỗi chân móng bảng quảng cáo chỉ sử dụng tối đa khoảng 9m2 đất thường nằm giữa các diện tích đất đang canh tác nhưng vẫn phải làm nhiều thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như các công trình đầu tư lớn, dài hạn theo các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) và Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT), đây là các thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp rất phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí mà không thực hiện được.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, cơ bản không có doanh nghiệp nào có thể thực hiện được theo đúng các thủ tục, trình tự quy định cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên việc có các loại giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai để nộp hồ sơ xin phép xây dựng công trình quảng cáo không triển khai được. Các bảng quảng cáo cũ đã được cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp từ trước đến nay, dù đã nằm trong diện quy hoạch cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành không phép khi hết thời hạn cho phép nếu không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất.

Trường Giang