Phát triển nhân lực, trọng dụng nhân tài ngành TN&MT - Trọng dụng, bồi dưỡng cán bộ trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 08:30, 09/06/2022

(TN&MT) - Bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo là tiền đề để xây dựng và nâng cao nguồn nhân lực bền vững cho ngành TN&MT. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài của ngành.

Xoay quanh nội dung này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT.

8-2-.jpg

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Bộ TN&MT do Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT tổ chức.

PV: Xin ông cho biết những giải pháp mà nhà trường đã áp dụng thời gian qua để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường?

TS. Nguyễn Đức Toàn: Trong công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành TN&MT, Trường luôn xác định vấn đề chất lượng là hàng đầu, là điều kiện tiên quyết sự tồn tại vững chắc và phát triển bền vững của Nhà trường trong hiện tại và tương lai.

Nhà trường không ngừng mở rộng, phát triển về số lượng và chất lượng của giảng viên, báo cáo viên. Chủ động mời những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao; những cán bộ nòng cốt, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố, Học viện, Trường đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế...

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính hiệu quả trong công tác bồi dưỡng, phổ biến kiến thức và xây dựng mạng lưới học viên, Trường đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý TN&MT cấp địa phương để lựa chọn nhưng chủ đề thích hợp, xây dựng nội dung và mời các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khí tượng thủy văn, đất đai, công nghệ thông tin… để tổ chức các chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế. Nhà trường cũng đã phối hợp với các đối tác, tận dụng sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác, mở rộng đối tượng bồi dưỡng miễn phí, thu hút gần 1.000 lượt học viên cùng tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn.

Trường không ngừng đổi mới, cải tiến mô hình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu và phù hợp với nhiều đối tượng học viên. Loại hình và phương pháp giảng dạy cũng hết sức linh hoạt như trao đổi, làm việc nhóm, hỏi đáp, tự nghiên cứu, tham quan thực tế... trên nguyên tắc hướng đến người học, lấy người học làm trung tâm.

Nhằm đáp ứng với nhu cầu và điều kiện thực tế, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng triển khai trên môi trường trực tuyến, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập trực tuyến cũng đã từng bước được nghiên cứu và thực hiện đạt hiệu quả. Các bài giảng điện tử, sách điện tử đã được nghiên cứu, xây dựng và áp dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường năm 2021 đến nay rất hiệu quả.

PV: Vậy việc áp dụng những giải pháp này, đã giúp chúng ta gặt hái được những kết quả gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Toàn: Trong năm 2021 Trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn gần 7.000 lượt học viên, trong đó 6.224 lượt học viên tham dự theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2021 của Bộ TN&MT (tương đương 84 khóa/lớp). Trong những tháng đầu năm nay, Trường đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho gần 1.200 lượt học viên.

Đối tượng học viên được đào tạo, bồi dưỡng là công chức, viên chức hoạt động nghề nghiệp trong ngành TN&MT. Nhóm đối tượng học viên này tùy thuộc vào vị trí công tác và chương trình đào tạo, bồi dưỡng, độ tuổi trải rộng từ 25 đến 50 tuổi.

Đối tượng học viên được tập huấn về các thông tin, kiến thức và kỹ năng trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các chủ đề liên quan đến các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, rác thải nhựa đại đương… là các cán bộ quản lý TN&MT cấp địa phương; thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Với nhóm đối tượng học viên này, độ tuổi 25 đến 35 chiếm đa số. Đặc biệt, học viên trẻ với độ tuổi ngoài 20 đến dưới 30 đến từ các tổ chức chính trị - xã hội chiếm tỷ lệ rất lớn.

Trường cũng đã thí điểm tổ chức tập huấn về pháp luật, kỹ thuật mới về bảo vệ môi trường cho đội ngũ là lãnh đạo, quản lý, nhân viên tại các khu công nghiệp.

PV: Như ông chia sẻ, học viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là các học viên trẻ. Trường đã xây dựng những kế hoạch gì để thu hút các đối tượng học viên trên, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Toàn: Công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho các đối tượng là cán bộ, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ quy hoạch và cán bộ trẻ luôn được Nhà trường quan tâm, chú trọng.

Để thu hút sự tham gia của học viên trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Trường đã tập trung đổi mới, cập nhật về nội dung chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung, cập nhật hằng năm đối với các nội dung của chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với các quy định hiện hành, đổi mới việc thiết kế chương trình, tài liệu bồi dưỡng phải bắt đầu từ việc xác định đúng mục đích, mục tiêu của hoạt động bồi dưỡng cho đến việc thiết kế xây dựng chương trình và tổ chức đánh giá chương trình, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với vị trí việc làm.

Ngoài ra, Trường chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Các khóa học của Trường tổ chức đã có sự tham gia giảng dạy của cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực của Bộ TN&MT; các Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ có trình độ chuyên môn chuyên ngành sâu, có kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài Bộ.

Trường tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, báo cáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng.

Đồng thời, Trường luôn điều chỉnh, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện đánh giá kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng qua từng chương trình.

Phương pháp đào tạo đổi mới theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý gắn với vị trí và trách nhiệm tương ứng của cán bộ. Tùy theo đặc thù của từng chuyên đề, có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp, vận dụng các phương pháp giảng dạy trực tiếp, trực tuyến, cách thức truyền tải thông qua các bài giảng điện tử kết hợp sử dụng các công cụ tiên tiến, phương tiện dạy học hiện đại.

Việc đánh giá kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện linh hoạt với nhiều hình thức khác nhau như phát phiếu đánh giá tổng kết khóa học, phỏng vấn trực tiếp, tiếp nhận ý kiến đánh giá thông qua email, thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến… Đây là những ý kiến thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành.

Bên cạnh đó, Trường đã áp dụng công nghệ thông tin trong đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của cán bộ quản lý, chuyên viên quản lý, giám sát, theo dõi lớp học; thiết lập và vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong Trường; thực hiện giám sát, thanh tra đối với tất cả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo việc giảng dạy, học tập, kiểm tra theo đúng quy chế và đảm bảo chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)