Phát triển nhân lực, trọng dụng nhân tài ngành tài nguyên và môi trường - E-learning - công cụ đắc lực cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 09/06/2022

(TN&MT) - Cổng Thông tin điện tử tích hợp Cổng Đào tạo trực tuyến (E-learning) của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT đã ra mắt được hơn 2 năm. Trong thời gian đó, Cổng đã hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy, đào tạo và bồi dưỡng của trường, đặc biệt trong việc triển khai các kế hoạch mà trường đã đề ra.

TS. Đinh Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT cho biết: Đối với Trường, ứng dụng chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, nhằm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Trong 2 năm qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, E-learning của Trường đã hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho công tác tổ chức lớp học, nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành công việc của học viên.

8-3-.jpg

Khai giảng lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường hạng III, khóa 31, năm 2022.

Hệ thống này đã thực sự lấy người học làm trung tâm khi tạo điều kiện thuận lợi nhất để học viên tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi và cung cấp nguồn tư liệu tra cứu hữu ích trong quá trình công tác. Ngoài ra, việc mỗi học viên được cấp một mã số riêng cùng hồ sơ học tập lưu trữ trên hệ thống sẽ là công cụ hữu ích giúp xác định thời gian bồi dưỡng bắt buộc hàng năm theo quy định.

Qua thực tế sử dụng hệ thống E-learning của Trường, các học viên đã có đánh giá rất tích cực về những thuận lợi trong quá trình truy cập và khai thác Cổng, cụ thể E-learning đã tạo điều kiện cho học viên có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi nơi thông qua các phương tiện trợ giúp như: Máy tính, thiết bị di động; đáp ứng tối đa nhu cầu học tập ngay cả khi giảng viên, học viên phải bận công tác hoặc học viên phân tán, rải rác tại các địa phương, đơn vị khác nhau.

Bên cạnh đó, sau khi kết thúc mỗi chuyên đề/nội dung giảng dạy, học viên có thể dễ dàng truy cập để tự ôn tập, rèn luyện lại các kiến thức đã được truyền đạt thông qua video bài giảng, học liệu điện tử, các câu hỏi thường gặp và một số câu hỏi trắc nghiệm tổng quan về bài học.

TS. Đinh Thái Hưng nhận định: “Đây là một bước tiến trong quá trình không ngừng đổi mới, cải tiến mô hình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của Trường nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với nhiều đối tượng học viên. Do đó, Trường tin tưởng với những thuận lợi của việc học trực tuyến đem lại, cả người dạy và người học sẽ hào hứng với phương pháp dạy học này”.

Để việc sử dụng E-learning ngày càng hiệu quả, TS. Đinh Thái Hưng cho biết, Trường đã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý đào tạo trực tuyến. Trong đó, tập trung đến việc quản lý hệ thống đào tạo trực tuyến (bao gồm hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập); tổ chức và quản lý được quá trình tổ chức dạy - học, tương tác đồng bộ giữa giảng viên/báo cáo viên, học viên, cán bộ quản lý… đảm bảo chất lượng của từng Chuyên đề.

Ngoài ra, người học cũng phải có đủ học liệu theo yêu cầu của chương trình bồi dưỡng. Trường giám sát được quá trình tổ chức đào tạo, có hệ thống thi và kiểm tra đánh giá trực tuyến đảm bảo trung thực, khách quan theo yêu cầu của chương trình bồi dưỡng; lưu được hồ sơ quản lý học tập của từng học viên…

Trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi học thuật, kinh nghiệm giảng dạy, truyền cảm hứng giữa các giảng viên/báo cáo viên nhằm tăng sức hấp dẫn cũng như sự hào hứng của học viên trong E-learning.

Lan Chi