Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng thu ngân sách chủ yếu do nội lực của nền kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 16:21, 08/06/2022
Sáng 8/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội.
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính được chất vấn, gồm các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tăng thu ngân sách chủ yếu do nội lực nền kinh tế
Tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu vấn đề, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản để thống nhất thu ngân sách trong việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nên qua đó đã có dấu hiệu tích cực làm tăng nguồn thu từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản này cũng gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, một số cử tri phản ánh là vài nơi cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn hiện tượng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng, thu theo bảng giá đất đã ban hành.
Từ những quy định này, người bán chuyển nhượng bất động sản kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về bất động sản. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục Thuế, Chi cục Thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
Theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này UBND các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này hoàn toàn đúng pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, 4 tháng đầu năm 2022, đã thu được là 16.200 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng. Đặc biệt, có trường hợp, sau khi được vận động, giải thích, kê khai giá 500 triệu đã tiến hành kê khai lại là 10 tỷ đồng….
Về các giải pháp chống tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình kê khai; không được gây phiền hà, sách nhiễu người dân mà chỉ thực hiện công tác tuyên truyền. Tổng cục Thuế cũng chỉ tiến hành hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nếu phát hiện ra tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm.
Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng đặt vấn đề, việc tăng thu ngân sách Nhà nước phần lớn là do khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu thô và đất đai có đúng không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, tình hình thu ngân sách Nhà nước của Tổng cục Hải quan năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tăng thu ngân sách từ dầu thô và đất chỉ chiếm khoảng 13,9%, do đó, thực tế tăng thu ngân sách chủ yếu do nội lực của nền kinh tế và từ sản xuất kinh doanh. Theo Bộ trưởng, thu ngân sách ngành Hải quan vượt 19,56% so với kế hoạch được giao. Có được điều này là do thời gian qua Tổng cục Hải quan đã thực hiện Hải quan một cửa ASEAN và ứng dụng công nghệ thông tin để thông quan, tạo điều kiện xuất nhập khẩu tốt. Vì vậy, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước đến nay.
Chống thất thu thuế trong kinh doanh trên nền tảng số
Tại Phiên chất vấn, các địa biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến giải pháp chống thất thu thuế trong kinh doanh trên nền tảng số, vấn đề đất đai trong cổ phần hóa, việc quản lý, điều hành trước diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu thực trạng thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số tiền. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng nêu giải pháp hữu hiệu để chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh này, đặc biệt là những giải pháp xây dựng pháp luật?
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là lĩnh vực rất mới, hiện đã bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ. Mặc dù, Bộ Tài chính ban hành thông tư yêu cầu chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho những người tham gia sàn, nhưng dư luận phản đối, báo chí phản đối. Do đó, Bộ Tài chính đang dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, bởi khó khăn hiện nay là người tham gia sàn thương mại điện tử có thể ở ngước ngoài, chứ không chỉ ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay, các tập đoàn công nghệ như: Youtube, Google, Microsoft… đã đăng ký và nộp thuế đầy đủ. Còn đối với hàng bán qua Zalo, Facebook rồi nhận hàng, sau đó, trả bằng tiền mặt, Bộ trưởng cho rằng, đây là khoản thất thu rất lớn. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã giải quyết một bước, các tập đoàn lớn về công nghệ thông qua khai trương Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, các tập đoàn đã kê khai nộp thuế, sau này sẽ tiến hành thanh tra sau, còn sàn thương mại điện tử cũng đang được tích cực kiểm tra.
Đối với Zalo, Facebook và các nền tảng khác, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành khác để thắt chặt trong lĩnh vực này. Trong tương lai, sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh về công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số Bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát tài sản Nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.
Do đó, theo Bộ trưởng, giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Về trách nhiệm và giải pháp trong quản lý, điều hành trước diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua theo ý kiến đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương hỏi biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.