Đại biểu Quốc hội: Đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa được thẩm định giá
Trong nước - Ngày đăng : 16:17, 08/06/2022
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Cần giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa
Phát biểu chất vấn, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ về những giải pháp để giải quyết về vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua?
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ,đây không phải mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Về đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết, thẩm quyền quyết định của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình. Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách Nhà nước. Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Đồng thời, Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí rất “trúng” với thực tế. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội chứ Bộ Tài chính không quyết định được. Nếu tại Kỳ họp, Quốc hội thống nhất đưa vấn đề này vào Nghị quyết của Kỳ họp thì Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Tham gia trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.
Về vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn Thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình, hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách. Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành canh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, có nêu rõ “giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”. Do đó, Bộ trưởng mong muốn, các địa phương cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm soát việc này các trường học thuộc địa bàn của mình để tránh gây bức xúc trước dư luận.
Kết hợp các chính sách để kiềm chế lạm phát
Tại Phiên chất vấn, vấn đề kiềm chế lạm phát được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay, lạm phát tăng nhanh, nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề lạm phát này?
Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để kiềm chế hiệu quả lạm phát cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022, để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược; trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Tham gia trả lời về việc kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta, vẫn đang ở mức kiểm soát được, mức tăng giá liên quan đến cái giá hàng hóa thế giới.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm liên quan đến việc điều hành thị trường tiền tệ. Theo đó, trong những tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước nước đã theo dõi rất sát diễn biến và có những điều tiết về thanh khoản phù hợp để đưa ra những chính sách về tiền tệ, chính sách lãi suất, tỷ giá, nhờ đó, về cơ bản trong những tháng qua thị trường tiền tệ khá ổn định…
Với những vụ việc tiêu cực trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, rà soát. Qua đó cho thấy, khi các tổ chức tín dụng tham gia các thị trường này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán nhưng vẫn phải đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật ngân hàng…