Có được sang tên sổ đỏ khi không có di chúc?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:12, 08/06/2022

(TN&MT) - Gia đình tôi đang sinh sống trên mảnh đất đứng tên bố mẹ tôi trong sổ đỏ. Bố mẹ tôi đều đã qua đời cách đây 5 năm. Tôi là con trai duy nhất của bố mẹ tôi. Xin hỏi, tôi muốn hỏi thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ tôi sang cho tôi phải làm như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Như thông tin bạn cung cấp, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là bố mẹ bạn đứng tên, cả hai đã qua đời và không để lại di chúc. Tuy nhiên, bạn không nói rõ ông bà nội, ngoại của bạn có còn sống không. Bởi lẽ, khi bố mẹ bạn mất, không để lại di chúc thì theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, di sản của bố mẹ bạn để lại sẽ chia theo pháp luật.

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

sang-ten-so-do.jpg
Ảnh minh họa

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.....

Như vậy, trong trường hợp này, hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn là: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố mẹ bạn. Lúc này, có 2 trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, ông bà nội, ngoại của bạn đã mất. Lúc này bạn là người duy nhất tronng hàng thừa kế, theo đó, bạn chỉ cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để nhận di sản mà bố bạn để lại.

Thứ hai, ngoài bạn, hàng thừa kế thứ nhất cò những người khác như ông bà nội, ngoại. Lúc này, bạn cần yêu cầu tất cả những người này làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế để đồng ý cho bạn nhận toàn bộ diện tích đất mà bố bạn để lại hoặc làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế để mình bạn được hưởng di sản mà bố bạn để lại. Việc khai nhận hay từ chối nhận di sản thừa kế cũng phải được công chứng hoặc chứng thực.

Sau khi bạn làm xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế, bạn cần làm hồ sơ để nộp tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để yêu cầu thực hiện việc sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên của bạn.

Hồ sơ sang tên trong trường hợp này gồm những giấy tờ sau: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Chứng minh thư nhân dân/ Thẻ căn cước công dân của bạn; Hộ khẩu thường trú của bạn; Văn bản khai nhận di sản thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế; Biên lại lệ phí trước bạ phải nộp.

Trường hợp của bạn là nhà, đất nhận thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ nên bạn sẽ được miễn tiền lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ. Nên bạn chỉ cần cung cấp thêm Giấy khai sinh của bạn để chứng minh mình là con ruột của bố mẹ bạn.

Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thì thời gian thực hiện thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 10 ngày.

Báo TN&MT