Sơn La: Di dời khẩn cấp 13 hộ dân khỏi vùng nguy cơ ngập lụt

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:14, 08/06/2022

(TN&MT) - Do ảnh hưởng từ mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng tại bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La. Chính quyền địa phương đã kịp thời di dời 13 hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt đến nơi an toàn.
1-tp.jpg

Lực lượng chức năng kịp thời đưa người dân bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm đến nơi an toàn.

Huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng cứu

Ông Cao Viết Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Từ 0 giờ ngày 7/6, mưa to đến rất to tập trung tại TP Sơn La và các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp đã gây nhiều thiệt hại. Trên Sông Mã, mực nước tại các trạm Xã Là lúc 7 giờ đang ở mức 278,56 m, thấp hơn cấp báo động 1 - 0,44 m, mực nước tại trạm Quảng Tiến lúc 10 giờ, đang ở mức 25,04m, cao hơn cấp báo động 3 - 0,04m. Mực nước tại các suối Nậm La, Nậm Pàn lên nhanh.

2-tp.jpg

Khẩn trương triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người dân bản Phiêng Ngùa.

Tại bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm, mưa to làm nước suối Nậm La dâng cao, gây ngập lụt, sạt lở đã khiến cho 13 hộ dân của bản Phiêng Ngùa bị cô lập. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn toàn bộ người, tài sản của các hộ dân bị cô lập và có nguy cơ bị ngập lụt về nơi an toàn.

Tại khu vực tổ 7 phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La xuất hiện tình trạng sạt trượt, lở đất đá, một khối lượng đất đá lớn đã sạt vào nhà 1 hộ gia đình. Vết sạt trượt ở độ cao khoảng 40 m so với chân núi đã làm sập bức tường và mái nhà, hư hỏng nhiều tài sản.

Dưới điểm sạt lở là khu vực dân cư sinh sống; trong đó, có 3 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định tình trạng sạt lở để triển khai phương án ứng phó. Đồng thời, thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại; cắm biển cảnh báo, nghiêm cấm người dân đi vào khu vực đang có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng ứng trực, theo dõi, kịp thời cảnh báo cho nhân dân. Đến nay, hộ gia đình bị ảnh hưởng sạt lở và một số hộ dân tại khu vực có nguy cơ bị sạt lở đã được di dời ra khỏi vùng sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản.

3-tp.jpg

Lực lượng công an tham gia điều tiết giao thông tại các ngã ba, ngã tư, cứu hộ các phương tiện bị ngập nước.

4-tp.jpg

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cùng Đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra các vị trí ngập úng nặng, công trình thoát lũ, vị trí thoát lũ tại TP Sơn La.

Cùng với đó, đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng tham gia hỗ trợ và giúp người dân di dời ra khỏi khu vực bị lũ và ngập nước. Chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an tham gia điều tiết giao thông tại các ngã ba, ngã tư, cứu hộ các phương tiện bị ngập nước; giúp doanh nghiệp đang thi công tại công trường xây dựng kè suối Nậm La di chuyển an toàn người và phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực lũ… Chỉ đạo điều tiết xả tràn hồ bản Mòng, xã Chiềng Cọ ra suối Nậm La, hạ đập thoát nước Cầu Trắng khu vực thành phố Sơn La và khơi thông các cống, rãnh để thoát nước ngập úng trong đô thị.

5-tp.jpg

Tại các điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, nhà trường đã đặt cơm và lo chỗ nghỉ trưa cho các thí sinh tại các khu ký túc xá để buổi chiều tiếp tục tham gia kỳ thi, hạn chế việc di chuyển của các thí sinh trong thời tiết xấu.

7-ms.jpg

Đường vào xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn bị hư hại nghiêm trọng.

Thiệt hại nặng trên diện rộng

Mưa lớn kéo dài cũng gây thiệt hại tới nhiều địa phương khác. Tại xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, mưa lũ đã làm sạt lở, chia cắt giao thông một số điểm vào trung tâm xã; hư hỏng một số tuyến đường đến các bản; gây ngập úng khoảng 3 ha lúa; ngập toàn bộ sân trường và một số phòng học của Trường TH và THCS xã Tà Hộc; sạt lở đất đá vào 1 hộ dân bản Pá Nó.

UBND xã Tà Hộc đã huy động khoảng 30 cán bộ xã hỗ trợ các thầy cô giáo Trường TH và THCS xã Tà Hộc vận chuyển 2 tấn gạo Nhà nước hỗ trợ cho các em học sinh bán trú của nhà trường và di dời, vận chuyển bàn học ra khỏi các điểm ngập úng sâu; nhân dân bản Pá Nó huy động 20 người dân địa phương hỗ trợ gia đình bị sạt lở, vận chuyển tài sản ra khỏi điểm sạt lở, bố trí ở tạm tại nhà dân gần đó. Hiện, UBND xã Tà Hộc đang chỉ đạo các bản tiếp tục thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ, tránh gây thiệt hại về người và tài sản.

8-ms.jpg

Dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường TH và THCS xã Tà Hộc.

Tại huyện Yên Châu, mưa lớn kéo dài đã khiến gần 10 ha lúa, 1,5 ha rau màu bị ngập tại các xã: Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Viêng Lán, Mường Lựm. 5 công trình phai tạm bị hư hỏng hoàn toàn; nhiều tuyến đường liên xã Chiềng Khoi - Viêng Lán bị ngập úng cục bộ.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phân công lực lượng kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ để có giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

6-yc.jpg

Mưa lớn kéo dài tại huyện Yên Châu đã gây nhiều thiệt hại về lúa, rau màu của nhân dân.

Tại huyện Thuận Châu, mưa lớn đã gây sạt lở đất và lũ quét khiến một số diện tích lúa, ngô, sắn tại xã Co Mạ bị ngập sâu trong nước, 6 nhà dân xã Co Tòng bị đổ, ngập úng… Ban Chỉ huy PCTT &TKCN huyện đang khẩn trương phối hợp với UBND các xã kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục.

Đồng thời, chỉ đạo các xã bị thiệt hại thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra và thống kê những hộ dân bị ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đôn đốc người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa to, gió lốc, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, cây trồng, vật nuôi trong mùa mưa lũ.

Qua báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tới chiều ngày 7/6, mưa lũ đã làm 2 người bị thương do sạt lở đất làm đổ một bức tường nhà, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện; 126 nhà ở thiệt hại, trong đó, 2 nhà thiệt hại nặng, 19 nhà thiệt hại 1 phần, 65 nhà bị ngập nước, 40 nhà phải di dời khẩn cấp.

Trên Quốc lộ có 5 điểm ngập úng từ 10 - 40 cm; tỉnh lộ ĐT.108 xảy ra ngập úng, nước tràn mặt đường tại 2 vị trí chiều sâu trung bình 50 - 60cm, sạt lở taluy dương tại 4 vị trí; trên ĐT.110 sạt lở taluy dương 1 vị trí; và một số vị trí sụt, sạt, sa bồi nhỏ.

Cùng với đó, hơn 41ha lúa thiệt hại; hơn 25ha hoa màu và cây trồng hàng năm… 333m kênh bị sạt lở, 1 đập thủy lợi bị hư hỏng, 7 phai tạm dâng nước trên suối bị cuốn trôi… Ước thiệt hại hơn 1,7 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đang tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, vận động di dời tạm thời các hộ gia đình ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp người dân sớm ổn định đời sống.

Nguyễn Nga