Kinh tế biển xanh - cơ hội phục hồi hệ sinh thái: Bảo vệ biển theo cách làm của Đà Nẵng
Biển đảo - Ngày đăng : 10:50, 07/06/2022
Chung tay bảo vệ môi trường biển
Ở Đà Nẵng, công tác thu gom, xử lý rác tại bãi biển do Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng thực hiện; Ban quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng kiểm tra việc thu gom, dọn vệ sinh của công ty và ghi nhật ký hằng ngày. BQL cũng thường xuyên tổ chức chương trình ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” dọn vệ sinh môi trường bãi biển.
Để giảm thiểu vấn nạn xả rác bừa bãi, BQL đã tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thông qua website, fanpage; kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh trên bãi biển. “Ngoài công nhân của Công ty CP Môi trường Đô thị, các nhân viên cứu hộ thuộc BQL cũng tham gia vớt rác trên mặt nước biển. Chúng tôi bố trí mỗi trạm cứu hộ 4 cào rác; 50 giỏ rác nhựa. Ngoài ra, BQL tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ven biển và phát động chiến dịch “Nói không với túi nilon tại các bãi biển du lịch”- ông Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng BQL cho biết.
Ngoài cơ quan đoàn thể, ở Đà Nẵng còn có những tổ chức, cá nhân chung tay cùng cộng đồng làm sạch biển. Được hình thành từ năm 2015, Lets Do It! Viet Nam (LDI) là chiến dịch có quy mô toàn quốc, hoạt động tại 3 miền, trước tiên là 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Thanh Tùng - Trưởng nhóm LDI Danang - chia sẻ, trước năm 2018, LDI Danang tập trung vào hoạt động tổ chức các buổi dọn dẹp cùng mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về hiện trạng môi trường. Từ năm 2018 trở đi, LDI Danang bắt đầu mở rộng thêm nhiều hoạt động khác với chủ đề vấn nạn rác thải, như các buổi tọa đàm hay các hoạt động flashmob, trưng bày...
Tại Sơn Trà, Đội cứu hộ động vật biển Sasa gồm 10 thành viên thường trực cùng các tình nguyện viên thường xuyên lặn biển, đem hàng trăm cá thể san hô bị gãy đổ, bệnh tật lên bờ để "chữa trị", trước khi trả lại đáy biển an toàn, góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển.
Ít ai biết Đào Đặng Công Trung với vai trò Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh bởi thường gặp anh khi đang rong ruổi khắp các ngõ ngách của Sơn Trà để nhặt rác. Hơn 10 năm nay, trung bình mỗi tuần anh Trung lên Sơn Trà hai ba lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Vỏ chai, túi ni lông, quần, áo, nón, mũ… anh nhặt được không thiếu thứ gì từ trên bờ xuống dưới nước.
Nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội đã biết đến công việc của anh Trung nên cứ cuối tuần rảo quanh các rạn san hô để thu gom rác thải, chung tay làm sạch Sơn Trà. Họ đi thành từng nhóm “phượt” dưới nước, vừa lặn vừa nhặt rất nhiều rác thải mang vào bờ...
Thu hút nhiều dự án hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường biển
Có thể nói, Đà Nẵng là một trong các địa phương đang thu hút rất nhiều dự án hợp tác quốc tế về môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng nhờ vào tầm nhìn và định hướng của thành phố trong việc phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường”, hướng đến “Thành phố sinh thái”.
Liên quan đến rác thải nhựa đại dương, thành phố hiện đang tham gia dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và dự án “Khép kín vòng tuần hoàn: Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, một dự án của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP) với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhằm giảm tác động môi trường của các thành phố ở khu vực ASEAN bằng cách giải quyết ô nhiễm nhựa trên biển.
Sở TN&MT cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu biển Plymouth (Vương quốc Anh) xây dựng đề xuất dự án “Sử dụng vệ tinh để phát hiện chất thải nhựa do con người gây ra” để phát hiện mảnh vụn nhựa biển và truy vết đường đi của rác thải nhựa từ đất liền ra biển; đồng thời triển khai hợp phần “Đánh giá khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ và carbon có nguồn gốc từ đất liền và giá trị kinh tế - xã hội của vịnh Đà Nẵng” nhằm đảm bảo môi trường biển và các sinh cảnh có khả năng phục hồi…