Việt Nam cần thu hút nguồn lực phát triển điện gió xa bờ
Kinh tế - Ngày đăng : 10:44, 07/06/2022
Xung quanh vấn đề phát triển ĐGNK, Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Erik Kjaer - cố vấn trưởng của Cục Năng lượng Đan Mạch.
PV: Có thể nói, ĐGNK là một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam. Nó có đặc điểm gì khác so với điện gió gần bờ, thưa ông?
Ông Erik Kjaer: Tại Việt Nam, tôi nhận thấy đôi khi mọi người vẫn gọi điện gió gần bờ là ĐGNK. Trên thực tế, đây là hai công nghệ hoàn toàn khác nhau và được phân biệt bằng khoảng cách từ trang trại gió đến bờ, quy mô công suất và công nghệ. Nhờ tuabin gió có kích thước lớn hơn và hiệu suất cao hơn, ĐGNK được đánh giá cao hơn về hiệu quả đầu tư và chi phí vận hành.
Qua nhiều nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận Việt Nam có tiềm năng ĐGNK thuộc hàng tốt nhất khu vực châu Á. Mặc dù vậy, do độ phức tạo về quy mô, công nghệ và độ rủi ro cao, sẽ phải mất ít nhất 7 năm để phát triển một trang trại ĐGNK, thậm chí lâu hơn nữa với những quốc gia chưa có kinh nghiệm như Việt Nam.
Kể từ khi hợp tác với Bộ Công Thương năm 2019 đến nay, Đan Mạch đã hỗ trợ xây dựng các báo cáo làm cơ sở để Việt Nam chuyển sang đầu tư ĐGNK thay vì tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng tỷ trọng ĐGNK lên 7 - 8 GW, thời gian không còn nhiều và chúng tôi vẫn đang xúc tiến các công việc cùng với phía Việt Nam.
Với những dự án lớn, chúng tôi có xu hướng đặt cách đường bờ biển 20km. Theo các nghiên cứu, tác động của hoạt động ĐGNK với đánh bắt thủy sản cũng như sinh vật biển hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Thêm vào đó, việc xây dựng các trụ đỡ giống như dựng lên rặng san hô nhân tạo cho sinh vật biển phát triển. Với những dự án lớn có thể sản xuất hydrogen - nhiêu liệu xanh thân thiện với môi trường.
PV: Ông có thể cho biết những trở ngại phát triển ĐGNK ở Việt Nam?
Ông Erik Kjaer: Vấn đề đầu tiên đó là yêu cầu về công tác quy hoạch hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng và gắn với quy hoạch không gian biển. Chúng ta phải xem xét vị trí nào có thể đặt các trang trại ĐGNK, không mâu thuẫn, xung đột với các tuyến giao thông biển, khai thác hải sản, khoáng sản, quân sự… Hiện nay, phía Đan Mạch cũng đang hỗ trợ Việt Nam quy hoạch không gian biển trên cơ sở phối hợp với các cơ quan của Bộ TN&MT.
Ngoài công tác quy hoạch, cần có mô hình để có thể phân bổ dự án và một quy trình lựa chọn nhà đầu tư mang tính cạnh tranh. Trong năm nay, chúng tôi sẽ cùng với Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xây dựng một công cụ mô hình hóa chi phí để xem xét thử nghiệm các khía cạnh kinh tế của dự án và đâu là thiếu hụt cần trợ cấp hỗ trợ của Nhà nước. Đây sẽ là bước đệm hình thành cơ chế phân bổ rủi ro, giảm thiểu chi phí không cần thiết cho các nhà đầu tư trong quá trình đưa vào vận hành, chạy thử các dự án mới ĐGNK. Một thách thức nữa phải vượt qua là việc phát triển, nâng cấp lưới điện hiện nay.
Về giá thành, nhờ các tiến bộ công nghệ thời gian gần đây mà giá thành ĐGNK đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này. Đan Mạch có 30 năm qua kinh nghiệm phát triển ĐGNK và đang đi đầu trong việc giảm giá thành ĐGNK. Gói thầu dự án ĐGNK 1.000 MW hoàn thành vào cuối năm 2021 ở Đan Mạch đã thiết lập một kỷ lục mới về giá và cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ ĐGNK khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi, thậm chí Nhà nước không phải trợ giá.
PV: Làm thế nào để ngành ĐGNK của Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ các xu hướng phát triển điện gió toàn cầu hiện nay, thưa ông?
Ông Erik Kjaer: Dù giá thành đã giảm, ĐGNK vấn cần vốn đầu tư rất lớn. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), các nước phát triển sẽ phải cung cấp tài chính để các quốc gia đang phát triển thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là ĐGNK.
Kinh nghiệm của Đan Mạch phát triển ĐGNK:
Đặt ra các mục tiêu rõ ràng, tham vọng và dài hạn để tích hợp ĐGNK.
Xác định và khoanh vùng các khu vực ĐGNK thông qua quy hoạch không gian biển, thực hiện các đánh giá tác động môi trường.
Xác định khu vực ĐGNK thực với khoảng cách đến bờ tối thiểu 6 hải lý (khoảng 11km), chủ yếu để tránh các tác động tiêu cực về cảnh quan, xung đột với hoạt động gần bờ để đạt sự đồng thuận. Thủ tục cấp phép đơn giản hóa và minh bạch.
Ban hành cơ chế chi trả cho ĐGNK, bao gồm hợp đồng mua bán điện mang tính khả thi vay vốn. Tích hợp thông lệ quốc tế tốt nhất về thiết kế và cấp chứng nhận trang trại điện gió.
Nhìn chung, với các dự án hạ tầng cũng như dự án năng lượng quy mô lớn, niềm tin của nhà đầu tư rất quan trọng. Bài học kinh nghiệm quý báu nhất từ Đan Mạch là phải đối thoại minh bạch giữa các cơ quan chức năng và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro, xây dựng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi. Nếu không tạo ra được môi trường đầu tư cạnh tranh, Việt Nam sẽ khó có khả năng thu hút được các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho phát triển ngành này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!