Đường Hồ Chí Minh cần được bố trí để thông tuyến, bảo đảm hiệu quả nhất
Trong nước - Ngày đăng : 19:13, 06/06/2022
Đường Hồ Chí Minh cần được thông tuyến
Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, đường Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Đây là tuyến đường có giá trị lịch sử, là công trình giao thông dài nhất cả nước với 2363km nối từ Pác Bó đến mũi Cà Mau, xuyên suốt chiều dài của đất nước. Đường Hồ Chí Minh còn là con đường mang tên vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam, cho nên giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng. Đường Hồ Chí Minh cũng tạo động lực mở ra sự phát triển xã hội cho nhiều vùng trên cả nước, trong đó có vùng miền núi, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, kết quả thực hiện dự án chưa được như mong đợi, hiện mới hoàn thành 86,1% khối lượng công trình, còn ba tuyến chưa được hoàn thành với 171km, hiện Chính phủ mới trình Quốc hội là đưa vào bố trí vốn của hai tuyến. Đồng tình với những nguyên nhân chỉ ra trong báo cáo thẩm tra, bắt đầu từ việc thực hiện Nghị quyết 11 về giảm, hoãn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, đây là một sự kéo dài, một sự lãng phí mang tính lịch sử. Do vậy, đường Hồ Chí Minh cần phải được hoàn thành bố trí để thông tuyến, bảo đảm một cách hiệu quả nhất.
Đại biểu cũng chỉ ra, các tuyến đường Hồ Chí Minh hầu hết đi qua những đoạn thiên tai, bão lũ, do đó, cần phải được xử lý, duy tu, bảo dưỡng kịp thời, đặc biệt là những điểm đen trên tuyến đường giao thông này cần phải được khắc phục. Đại biểu đề nghị, trong bối cảnh cạnh tranh nhiều nguồn lực xây dựng các tuyến đường cao tốc Việt Nam nhưng Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề còn lại cũng như tiếp theo của đường Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm tuyến đường vận hành thông suốt.
Theo luận về một số khó khăn, vướng mắc của dự án, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng - Chợ Bến trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, theo Tờ trình của Chính phủ do không bố trí được vốn nên đã tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 hiện hữu để nối thông đường Hồ Chí Minh. Đại biểu cho rằng, việc thông tuyến như vậy chỉ là thông tuyến về mặt vật lý, chưa thật sự thông tuyến theo tinh thần Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội.
Đối với đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3950 ngày 17/12/2007, có tổng chiều dài là 82,75 km, đi qua 4 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và tỉnh Long An. Các tỉnh được giao làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đó, tỉnh Long An có 1.254 hộ phải kê biên giải phóng mặt bằng với 140,3 hecta đất thu hồi để thực hiện dự án. Tính đến tháng 4/2014, tỉnh Long An đã chi trả bồi thường cho 1034 hộ/1254 hộ.
Tuy nhiên, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An còn 211 hộ dân đã có quyết định thu hồi. Các hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Trong khi nhiều hộ dân phải đi vay tiền ngân hàng để di rời khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng, đại biểu nêu rõ đây là vấn đề bức xúc mà cử tri Long An đã kiến nghị nhiều lần với các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phân bổ nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh các đoàn còn dở dang, trong đó, có đoạn địa bàn tỉnh Long An; bố trí đủ nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường cho 211 hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền bồi thường trên địa bàn tỉnh Long An. Đại biểu nhấn mạnh, việc này không thể chậm trễ và kéo dài nhiều hơn nữa vì sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp, điểm nóng, khiếu kiện và gây ra lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai tại địa phương.
Tranh thủ triệt để các cơ chế đặc thù thực hiện dự án
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 66. Theo đó, để có khoảng 5.000 km vào năm 2030, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã đặt ra mục tiêu hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc theo Tờ trình quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng đường cao tốc đang còn một số bất cập nhất định như Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và phân tích của một số đại biểu đã nêu. Đặc biệt, chưa đúng chuẩn cao tốc và ít nhiều sẽ gây nguy hiểm cho quá trình tham gia giao thông của người dân.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách rất hạn chế vẫn phải chi cho nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và ngành giao thông vận tải. Theo đó, để hoàn thành hơn 2.000km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí khoản 239,5 tỉ đồng, còn lại phải cần huy động vốn ngoài ngân sách.
Chính vì vậy, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trình Quốc hội xem xét ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết.
Để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Đồng thời, cho phép UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu cho rằng, cùng với quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp cho những người làm giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc Nam vào năm 2025, tạo tiền đề để đất nước sở hữu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.
Liên quan đến vấn đề bố trí vốn cho dự án, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dự án đường Hồ Chí Minh là một dự án lớn về cả tầm ảnh hưởng chính trị đến quy mô kinh tế kỹ thuật, môi trường xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn còn 171 km tuyến chính chưa được hoàn thành vì các lý do liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vấn đề bố trí vốn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nhị cân nhắc điều chuyển các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội để hoàn thành nốt các tuyến chưa hoàn thành của dự án đường Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu nền kinh tế của Nghị quyết 43.
Đồng thời cho rằng, đối với các dự án thành phần đã hoàn thành của dự án đường Hồ Chí Minh cần phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường, kinh tế- xã hội để rút kinh nghiệm cho các dự án thành phần sắp tới, cũng như rút kinh nghiệm cho các dự án lớn tương tự như Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tránh tình trạng hoàn thành Nghị quyết này lại ảnh hưởng đến Nghị quyết khác.
Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội cần phải có những đánh giá nghiêm túc, bám sát và có những điều chỉnh phù hợp.