Làm rõ suất đầu tư các đoạn của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Trong nước - Ngày đăng : 14:21, 06/06/2022

(TN&MT) - Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ 2 Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của 2 Dự án và so sánh với các dự án tương tự.

Sáng 6/6, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về 2 Dự án này.

Rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến

Theo ông Vũ Hồng Thanh, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, một số ý kiến cho rằng đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 Dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường 17m và 19,75m là chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729:2012) về đường ôtô cao tốc, đồng thời, việc đầu tư theo quy mô này sẽ không có làn dừng xe khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng xe khẩn cấp, khó bảo đảm an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn làm giảm hiệu quả đầu tư...

99.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến... để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của 2 Dự án. Theo đó, Chính phủ đã có các báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên. Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác phương án thiết kế của 2 Dự án nhằm xác định phương án tối ưu.

Về phạm vi đầu tư và cơ chế bảo đảm, chia sẻ phần giảm doanh thu của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt trong khi tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án và chưa rõ thời điểm đầu tư tuyến đường sắt là chưa hợp lý. Chính phủ đã có Báo cáo số 218 giải trình làm rõ đối với ý kiến nêu trên. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tiến độ đầu tư của tuyến đường này và trong giai đoạn tổ chức thực hiện cần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án.

Đồng thời, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định nội dung quyết định chủ trương đầu tư Dự án bao gồm “cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu”. Chính phủ đã có báo cáo bổ sung cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ bổ sung, làm rõ “cơ chế bảo đảm đầu tư” để phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, theo Báo cáo số 219, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thu phí phần đường cao tốc (Đường Vành đai 3) để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) tương ứng theo phần vốn góp đầu tư phần đường cao tốc của Dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong các bước nghiên cứu khả thi cần tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư phần đường cao tốc (Đường Vành đai 3) theo quy định, để xác định chính xác tỷ lệ hoàn vốn cho ngân sách các cấp.

Về tiến độ hoàn thành các Dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Do đó, đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, có ý kiến đề nghị làm rõ việc tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ 2 Dự án, bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của 2 Dự án và so sánh với các dự án tương tự. Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên. Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư 2 Dự án để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Chính phủ dự kiến nguồn lực NSTW trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và nguồn NSTW chưa phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành các Dự án này là phù hợp với mục tiêu, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 4/6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1124/TB-TTKQH, trong đó dự kiến bố trí 5.133 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4 và 14.233,437 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 3 từ nguồn NSTW chưa phân bổ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Về NSĐP, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Đến nay, Hội đồng nhân dân các địa phương đã ban hành các Nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 Dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các Dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn NSĐP cho 2 Dự án.

Tán thành nhiều đề xuất về cơ chế đặc thù

Đối với đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đầu tư các Dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, về việc cho phép điều chuyển số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương: Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc phân cấp đầu tư 2 Dự án cho địa phương triển khai thực hiện cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ.

1(3).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Với đề xuất cho phép sử dụng nguồn vốn NSTW đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi các dự án, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong đối cảnh ngân sách các cấp còn hạn chế thì việc phối hợp ngân sách các cấp để đầu tư các Dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho các Dự án là phù hợp, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Về cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ.

Về phân chia các Dự án thành các dự án thành phần theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và giao cho UBND Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc phân chia các Dự án thành các dự án thành phần. Đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò này.

Đồng thời, do các dự án thành phần sẽ giao các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của các Dự án, vì vậy đề nghị giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của 2 Dự án.

Về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế nhận thấy để bảo đảm tiến độ cho các dự án thì trong thời gian Quốc hội không họp có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong trường hợp không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết nghị.

Đối với đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023)...; Cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án...;

Ủy ban Kinh tế nhận thấy hai cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022 - 2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023. Một số ý kiến đề nghị áp dụng các cơ chế này trong 2 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Đối với Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, về việc cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư Dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư rất lớn, do đó nếu áp dụng theo khoản 2 Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ không khả thi về phương án tài chính và khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư Dự án. Vì vậy, đa số ý kiến tán thành với đề xuất này.

Đối với Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, về việc dự án sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án cho NSTW và NSĐP tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho NSTW và NSĐP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn NSTW và NSĐP đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.

Đối với đề xuất cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong Giấy phép khai thác không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường....

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động của đề xuất này, trong đó, cần có chính sách hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường và tác động đến vấn đề sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Thanh Tùng-Khương Trung