Đại học TN&MT Hà Nội trang bị kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên cuối khóa
Xã hội - Ngày đăng : 14:19, 06/06/2022
Tuần sinh hoạt nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của sinh viên, học viên trong việc thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; trang bị một số kiến thức về khởi nghiệp, kỹ năng xin việc và làm việc hiệu quả, tiếp cận thông tin về nguồn nhân lực; học tập nội dung các bộ luật để sinh viên, học viên vận dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phụ trách Khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Tuần sinh hoạt công dân cuối khóa nhằm kết nối sinh viên, học viên với Nhà tuyển dụng lao động, nhằm hỗ trợ sinh viên, học viên tăng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường làm việc thực tế. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa giảng viên và học viên, sinh viên sau 1 thời gian làm việc và học tập online.
“Sau này, các em có thể làm được nhiều việc hơn các thầy, cô và có thể là đồng nghiệp của các thầy, cô. Nếu như có khó khăn gì trong công việc, cô mong rằng, các em có thể gánh vác và cũng có thể trao đổi với bất kỳ thầy cô nào của Khoa cũng như của Trường. Hôm nay, các em tự hào về mái trường, về thầy cô của mình, ngày mai, thầy cô sẽ tự hào về các em!”, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ với sinh viên cuối khóa.
Tại buổi sinh hoạt, các sinh viên và học viên được lắng nghe những chia sẻ của các giảng viên về thông tin về thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp và trang bị các kỹ năng khi tham gia tuyển dụng; các nội dung luật lao động, luật công chức, luật viên chức.
Bà Phạm Thị Hồng Phương - giảng viên Khoa Môi trường đã chia sẻ về thực trạng nhu cầu lao động ngành Môi trường; sinh viên Trường Đại học TN&MT Hà Nội qua các giai đoạn; cơ hội và thách thức của học viên, sinh viên Khoa Môi trường.
Cụ thể, môi trường chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn: Khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; môi trường sống bị mất đi và các áp lực khác với ước tính có khoảng 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước vẫn đang tiếp tục gia tăng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2022. Với thực trạng trên, cần nhiều nhu cầu lao động cho ngành Môi trường.
Theo giảng viên Phạm Thị Hồng Phương, số lượng sinh viên Đại học TN&MT Hà Nội có nhiều thay đổi trong giai đoạn 2010 – 2020. Năm 2020, Trường có 10.866 sinh viên. Cơ hội việc làm của những sinh viên này rất lớn, bởi các em được đào tạo chính quy tại 1 trong 2 trường duy nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Luật Bảo vệ môi trường mới ban hành; vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; biến đổi khí hậu,...; quy hoạch phát triển nhân lực trong tương lai đối với ngành TN&MT rất lớn.
Ngoài những chia sẻ của lãnh đạo và giảng viên Khoa Môi trường, các sinh viên, học viên cũng được lắng nghe những chia sẻ của ông Lưu văn Điển - Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ và tư vấn môi trường Minh Điển, Cựu sinh viên lớp CD2M, khóa 2003-2006. Ông đã truyền năng lượng đến sinh viên, học viên qua những câu chuyện về thời gian ông còn là sinh viên của Trường, cũng như kinh nghiệm học tập và làm việc trong gần 17 năm qua kể từ khi ông rời ghế Nhà trường.
Ông mong muốn sinh viên, học viên hãy tích lũy năng lượng để thay đổi chất và lập quy hoạch cuộc đời để quyết định con đường sự nghiệp. Ông cũng giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên ĐH8, học viên CH6, người học, cựu người học của khoa chưa tìm được việc làm, có nhu cầu tìm việc làm.