Tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết và nhân văn

Trong nước - Ngày đăng : 16:03, 03/06/2022

(TN&MT) - Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, sáng 3/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là hoạt động rất cần thiết, nhân văn, tác động tích cực đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục, giúp phạm nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng sau mãn hạn tù.
6(1).jpg
Quang cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Cần thiết phải tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ tán thành cao với đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. Theo thống kê, trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.

“Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, vì lý do bất khả kháng, nhiều trại đã không tổ chức tốt việc lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Về nguyên tắc, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được tiến hành trong trại là tốt nhất. Thời gian qua phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện một số trại, do nhiều trại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn, không thuận tiện dẫn tới chi phí sản xuất cao, nên các doanh nghiệp không đầu tư.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức thí điểm bước đầu cho phạm nhân lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo với Quốc hội. Theo báo cáo, tại nhiều điểm lao động cũng đã giúp đa dạng hóa các ngành nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ là làm nông nghiệp và tại nhiều điểm lao động thì còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi.

“Cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề tại ngoài trại giam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1/2 thời hạn tù có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam thì cũng cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm.

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài được thông qua sẽ tác động tích cực đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân có cơ hội tiếp cận môi trường lao động thực tế, tăng cường kỹ năng, trình độ lao động, có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống, thuận lợi để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị Chính phủ giao cho công an kịp thời rà soát các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có ngành nghề phù hợp, hợp tác với trại giam, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo khu quản lý giam giữ phạm nhân an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức, lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài xảy ra.

Thu hẹp phạm vi đưa phạm nhân ra khu lao động, dạy nghề ngoài trại giam

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tán thành với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong đó, nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý đối với người phạm tội, từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án.

hoan.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Để làm rõ phạm vi điều chỉnh dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề. Ví dụ, trường hợp phạm nhân tham gia lao động với mục đích là được học nghề hướng nghiệp thì cơ chế thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, khi nào thì chuyển sang lao động có trả công. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam, các quyền của phạm nhân như hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ y tế được đảm bảo như thế nào?

Theo dự thảo Nghị quyết thi hành ngành nghề được tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề là ngành nghề mà pháp luật không cấm, tập trung vào các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước. Về ngành nghề tổ chức hoạt động lao động, đại biểu đề nghị cần quy định rõ đây là ngành nghề phải được sản xuất theo quy định của pháp luật. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ là chỉ sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, bởi quy định theo dự thảo có nghĩa là vẫn được phép sản xuất hàng hóa được xuất khẩu.

Tham gia thảo luận tại Phiên họp, bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là chính sách nhân văn nhằm giáo dục, cải tạo phạm nhân, đưa phạm nhân ra ngoài trại giam để hướng nghiệp, dạy nghề giúp phạm nhân có điều kiện sau khi mãn hạn tù về tái hòa nhập cộng đồng.

Về cụ thể, đối với quy định tại Khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết về “Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau”. Đại biểu bày tỏ không thống nhất với quy định “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng quy định như trên là bất hợp lý.

sang.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phân tích về quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho biết, theo quy định của Bộ Luật hình sự, đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Khi xét xử một vụ án hình sự có đồng phạm, Hội đồng xét xử sẽ đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt phù hợp với vai trò của từng bị cáo.

Theo quy định của dự thảo Nghị quyết, người tổ chức trong vụ án đồng phạm không đưa ra ngoài trại giam, lao động hướng nghiệp, dạy nghề bất kể phạm tội gì, mức án tuyên là bao nhiêu. Đại biểu cho rằng, đây là bất hợp lý trong áp dụng chính sách hình sự. Nêu rõ, theo quy định trong dự thảo Nghị quyết, người tổ chức trong vụ án ít nghiêm trọng lại nặng hơn người thực hành, người giúp sức trong vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với lý do không có tổ chức, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng quy định như trên là bất hợp lý và là điểm mấu chốt, nếu không sửa sẽ tạo nên bất bình đẳng. Dự thảo Nghị quyết quy định như trên không khác nào phạm nhân có mức áp thấp lại nguy hiểm hơn phạm nhân có mức cao trong khi tất cả phạm nhân đã được xét xử, tuyên phạt bằng bản án của Tòa án nhân dân.

Để thống nhất áp dụng pháp luật, chính sách hình sự, đại biểu đề nghị quy định thu hẹp lại phạm vi, chỉ người nào phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng quy định này. Quy định như vậy để phân hoá tội phạm và góp phần thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Thanh Tùng-Khương Trung