Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Trong nước - Ngày đăng : 21:21, 02/06/2022
Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất công
Thảo luận về công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập. Trong đó vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2017, nhưng chính sách về kinh tế lâm nghiệp chưa được quan tâm và phát triển tương xứng, nhất là đối với các địa phương quản lý diện tích đất rừng rất lớn nhưng chưa có nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng. Việc lãng phí tài nguyên rừng vẫn đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp. Đến nay chưa có cơ chế, chính sách về kinh tế rừng tương ứng để bảo vệ môi trường rừng và sinh thái rừng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để nâng cao năng lực cũng như tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất với nhận định và đánh giá tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Báo cáo đã nêu rõ các hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, hầu hết các hạn chế này đã được Ủy ban Tài chính- Ngân sách khóa XIV và XV đưa vào các báo cáo.
Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để làm chuyển biến tình hình, nhất là các hạn chế, tồn tại từ nguyên nhân chủ quan có thể khắc phục như: công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác lập và chấp hành dự toán; việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; việc lập và triển khai kế hoạch đầu tư công hay tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu cho rằng, khắc phục được những hạn chế này nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế hiện nay. Qua giám sát, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nhận thấy, có nhiều nhà, đất công chưa đủ điều kiện để đưa vào phương án sắp xếp do còn vướng về pháp lý hoặc các lý do khác, hiện phải để trống mà không thể cho thuê do pháp luật chưa có quy định bàn giao, giữ hộ các tài sản này cho các tổ chức của Nhà nước có chức năng cho thuê, tạm quản lý cho thuê ngắn hạn.
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các quy định về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nhà, đất để khai thác, tạo thêm nguồn lực tài chính, đồng thời hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu này để tránh lãng phí.
Liên quan đến lãng phí trong sử dụng đất đai, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, hiện nay có khu đất được quy hoạch để làm hạ tầng kinh tế kỹ thuật, khu đất dự trữ phát triển, đất hỗn hợp, đất quy hoạch dân cư mới, đất dân cư sinh thái, dân cư sinh thái nhà vườn, đất khu cụm công nghiệp,… Bên cạnh đó, nhiều dự án đã giao cho các chủ đầu tư nhưng vẫn còn trên giấy.
“Phần lớn đất này mặc dù là có thể sản xuất được nhưng hiện nay đang bị bỏ hoang do hệ thống kênh mương không được nạo vét nên không thể cải tạo đất, đường sá không được tu sửa dẫn đến ảnh hưởng đến sinh kế của người dân”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu và có giải pháp về mặt chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân và tránh lãng phí sử dụng đất.
Xem xét sửa đổi Luật Đất đai
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, với nhiều nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế để sát với thực tế, phát huy hiệu quả nguồn lực, đại biểu cho rằng những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã thể hiện chủ trương đúng đắn và nhân văn trong giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu là 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không có người thuê thì mới được bán nhà. Thực tế tại đô thị loại II, loại III thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp. Đại biểu cho biết, thực tế thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh, còn khoảng 80 căn hộ cho thuê nhưng không có người thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua, đây là sự lãng phí lớn.
Đại biểu cũng cho biết, những năm gần đây, giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất công nghiệp, tổ chức đấu giá trả giá rất cao, người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không có tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trên.
Ngoài ra, một số quy quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn được ban hành đã lâu, không phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được rà soát và điều chỉnh. Hiện chi phí đầu tư công trình công và một công trình tư chênh lệch rất cao dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.