Suy nghĩ về khả năng phục hồi để chống các thảm họa khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 14:04, 02/06/2022

(TN&MT) - Diễn đàn Toàn cầu về Giảm thiểu rủi ro thiên tai năm 2022 vừa kết thúc với một tài liệu kết quả mang tên Chương trình nghị sự Bali về khả năng phục hồi, nhằm mục đích ngăn thế giới đối mặt với 1,5 thảm họa mỗi ngày vào năm 2030.

Kêu gọi hệ thống cảnh báo sớm

Các đại biểu từ 184 quốc gia đã tập trung tại Bali (Indonesia) cho Diễn đàn Toàn cầu về Giảm thiểu rủi ro thiên tai năm 2022, nơi họ quan tâm đến các nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước một số nguy cơ khí hậu và các thảm họa khác trên toàn cầu đang gia tăng.

t16.jpg

Cậu bé cùng mẹ đi bộ qua khu vực ngập lụt ở Đông Jakarta, Indonesia. Ảnh: UNICEF

"Các hệ thống cảnh báo sớm phải bao gồm các cộng đồng có nguy cơ cao nhất với đủ năng lực về thể chế, tài chính và con người để hành động theo các cảnh báo sớm", bản tóm tắt của các đồng chủ tịch cho biết.

Tại cuộc họp, chỉ có 95 quốc gia báo cáo có hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ cung cấp cho các chính phủ, các cơ quan và công chúng thông báo chung về một thảm họa sắp xảy ra. Mức độ bao phủ của hệ thống ở Châu Phi, các nước kém phát triển nhất và các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ rất thấp.

Hệ thống cảnh báo sớm là biện pháp phòng thủ quan trọng chống lại các thảm họa như lũ lụt, hạn hán và núi lửa phun trào. Vào tháng 3/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các hệ thống cảnh báo có mặt ở khắp mọi nơi trên hành tinh trong vòng 5 năm tới.

Năm nay, Ngày Quốc tế Giảm thiểu rủi ro thiên tai được tổ chức vào ngày 13/10, sẽ dành riêng cho các hệ thống cảnh báo sớm.

Áp dụng cách tiếp cận khả năng phục hồi

Theo các đồng chủ tịch, một khuyến nghị cốt lõi của Chương trình nghị sự Bali là “áp dụng cách tiếp cận” khả năng phục hồi cho tất cả các khoản đầu tư và ra quyết định, tích hợp giảm thiểu rủi ro thiên tai với toàn bộ chính phủ và toàn xã hội.

Kết quả của tài liệu từ Diễn đàn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá lại cách rủi ro được điều chỉnh và chính sách được xây dựng, cũng như các thỏa thuận thể chế cần được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Cuộc họp là diễn đàn về thảm họa quốc tế đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) được triệu tập kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các đồng chủ tịch cho rằng các phương pháp tiếp cận hiện tại để phục hồi và tái thiết không đủ hiệu quả trong việc bảo vệ thành quả phát triển cũng như tái xây dựng tốt hơn, xanh hơn và công bằng hơn. Các kinh nghiệm chuyển đổi rút ra từ đại dịch Covid-19 phải được áp dụng trước khi cơ hội đóng lại.

Bên cạnh đó, Đánh giá giữa kỳ - đo lường tiến độ hướng tới các mục tiêu toàn cầu của Khung Hành động Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai của LHQ - đã được tiến hành.

Chia sẻ về những tiến bộ kể từ Diễn đàn Toàn cầu vào năm 2019, các đại biểu cho biết, số lượng các quốc gia phát triển các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai và báo cáo thông qua Khung Hành động Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai đã tăng 33%.

Mặc dù đã có một số tiến bộ - chẳng hạn như phát triển các cơ chế tài chính mới và liên kết tốt hơn với hành động khí hậu nhưng số liệu vẫn cho thấy đầu tư không đủ và tiến độ trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phòng ngừa còn hạn chế.

Chương trình nghị sự Bali sẽ được hoàn thành cho tới hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc (COP27), cũng như cuộc họp tiếp theo của các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu G20 và Đánh giá giữa kỳ Khung Sendai.

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News