Nói “KHÔNG” với nhựa tự hủy OXO, mở đường cho nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 13:57, 02/06/2022

(TN&MT) - Dù về bản chất, bao bì từ nhựa tự hủy OXO gây tác hại cho môi trường, song không dễ để người tiêu dùng nhận biết. Chính sự chưa rõ ràng về thông tin đã khiến những lựa chọn tưởng “đúng” lại thành “sai”. Làm thế nào để xã hội chuyển đổi nhận thức và tạo dư địa phát triển cho nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn?

Tránh “vàng – thau lẫn lộn”

“Không phân biệt được đâu là túi nhựa chỉ phân rã (làm từ nhựa tự hủy OXO) và túi nhựa phân hủy sinh học!” – đây là nhận xét chung của nhiều người đi mua hàng tại các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay nhiều tỉnh, thành khác.

Chị Nguyễn Kim Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên đi siêu thị để đảm bảo vật dụng và nguồn thực phẩm tốt cho gia đình. Chị biết túi nilong dùng một lần bán ở các chợ dân sinh rất có hại cho sức khỏe và môi trường nên đã chọn vào siêu thị để mua các cuộn túi có chất lượng tốt hơn để đựng thực phẩm. “Các loại túi tôi mua có giá thành đắt hơn so với túi nilon bán theo kg ở ngoài chợ. Túi có mẫu mã đẹp, nhãn mác đều ghi là “an toàn”, “tự hủy sinh học” nên tôi nghĩ là chúng đảm bảo về chất lượng”, chị Thanh nói.

Chung cảm nhận, chị Trần Hoài Thương (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi quan niệm sản phẩm tự hủy sinh học được thì có nghĩa là tốt cho môi trường, không gây ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều hãng sản xuất còn in thông tin bằng chữ nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Nhật…nên tôi càng yên tâm sử dụng”.

Như vậy, chính những bao bì in chữ “tự hủy sinh học”, “phân hủy sinh học” đã trở thành “tem đảm bảo” cho những sản phẩm nhựa tự hủy OXO đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Người dùng không biết được sản phẩm có phân hủy sinh học thật hay không, họ mặc nhiên tin vào lựa chọn đang bảo vệ sức khỏe gia đình và môi trường.

nhua-oxo.jpg

Sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO được in nhãn mác là “tự hủy sinh học”

Thêm vào đó, sự thiếu kiểm soát về nhãn mác, chất lượng hàng hóa đã tạo điều kiện để các bao bì từ nhựa tự hủy OXO cũng “đồng hạng” với bao bì từ nhựa phân hủy sinh học thực sự. Trong khi bao bì nhựa tự hủy OXO rẻ hơn bao bì nhựa phân hủy sinh học thì cán cân thị trường đang nghiêng về phía nhựa tự hủy OXO.

Chính vì bất cập này mà hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học ở Việt Nam, thâm chí tìm “miền đất hứa” ở các thị trường khó tính khác như Châu Âu, Nhật Bản… Doanh nghiệp cũng “e ngại” khi đầu tư nguồn vốn lớn để phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, bởi nhìn thấy hiện trạng nhãn tiền: Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học chưa thắng thế trên thị trường của chính nước nhà!

Mở đường cho nhựa “xanh”

Trăn trở với con đường phát triển của ngành nhựa Việt Nam, TS. Trịnh Thái Hà - Giám đốc Quốc gia Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam (NPAP) bày tỏ, Việt Nam vẫn chưa có hàng rào kỹ thuật để giúp người dùng phân loại được các loại bao bì nhựa khác nhau. Vì vậy, cần có chính sách để làm rõ, đưa ra quy chế, quy chuẩn, không gián tiếp cổ súy cho loại vật liệu tiêu cực hơn. “Nhiều năm trước, đây có thể là giải pháp, thì hiện nay, giải pháp này không còn phù hợp, cần phải quay lại để điều chỉnh giải pháp đó sao cho phù hợp hơn với thực tiễn, thực sự thân thiện với môi trường” – TS Trịnh Thái Hà nhấn mạnh.

anh-bai-3.jpg

Người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm xanh qua các chứng chỉ uy tín in trên bao bì sản phẩm

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 07/2012/TT-BTNMT quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Sau 10 năm, với sự biến đổi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh, sự thay đổi của chất lượng môi trường và hành vi tiêu dùng của người dân, đã đến lúc cần rà soát, đánh giá lại các các tiêu chí về túi ni lông thân thiện với môi trường.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sản phẩm, hàng hóa có khả năng phát tán ra môi trường vi nhựa độc hại. Nghiên cứu, xem xét, xây dựng quy định về việc hạn chế, tiến tới loại bỏ việc sản xuất, sử dụng nhựa OXO vì sau một thời gian loại nhựa này chỉ bị phân rã thành các mảnh nhựa mà không phân hủy hoàn toàn. Mặt khác, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm phân hủy sinh học thực sự.

Trong xu thế chung về sự phát triển năng động liên tục của ngành nhựa sinh học toàn cầu, tiềm năng phát triển thị trường nhựa phân hủy sinh học của Việt Nam rất lớn. Mở đường cho doanh nghiệp chủ động đầu tư vào sản xuất sản phẩm xanh chính là chìa khóa để tạo nên nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững./.

Cách nhận biết sản phẩm nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học:

-Sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO: Nhãn mác có thể là sản phẩm tự huỷ, nhưng thành phần in trên bao bì sẽ là trên 95% PVC, HDPE, LDPE, PE... và phụ gia “tự hủy sinh học”

- Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học: thành phần in trên bao bì ghi là: “PLA, PBAT”. Ngoài ra, sản phẩm thân thiện môi trường sẽ có các chứng chỉ quốc tế quan trọng như:

+ DIN Certco: Chứng nhận sản phẩm có khả năng phân huỷ sinh học và phân huỷ sinh học hoàn toàn theo tiêu chuẩn của châu Âu.

+ Seedling: Chứng nhận sản phẩm có khả năng phân huỷ sinh học và phân huỷ sinh học hoàn toàn theo tiêu chuẩn của châu Âu.

+ BPI Compostable: Chứng nhận được cấp theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASTM D6400, BPI Compostable đảm bảo sản phẩm sẽ được xử lý tốt trong các cơ sở thương mại và cơ sở xử lý rác thải đô thị.

+ OK Compost HOME: Chứng nhận khả năng phân huỷ sinh học hoàn toàn của sản phẩm theo các yêu cầu được quy định cụ thể ngay trong môi trường chôn ủ tại vườn nhà của TUV (Bỉ).

+ OK Compost INDUSTRIAL: Chứng nhận sản phẩm có khả năng phân huỷ sinh học trong môi trường ủ công nghiệp của TUV (Bỉ)

+ TCVN 13114 (Việt Nam): Đây ​là tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam giúp xác định chính xác các vật liệu và sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn.

Tống Minh