Nhiều địa phương chưa gửi ý kiến đóng góp Dự thảo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 13:57, 02/06/2022
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Đến nay, Tổng cục đã nhận được ý kiến đóng góp của 37 đơn vị và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đa số các ý kiến đều thống nhất với hồ sơ dự thảo Quy hoạch. Một số cơ quan, đơn vị đã có ý kiến góp ý đề nghị bổ sung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch. Các ý kiến đóng góp đang được Tổng cục xem xét để bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Quy hoạch. Đồng thời, Tổng cục đang lập báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chỉ đạo Tổng cục tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ và tỉnh, thành phố theo tinh thần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương có ý kiến góp ý đối với hồ sơ Dự thảo Quy hoạch. Tới đây, Bộ sẽ gửi công văn đến đến các Bộ, địa phương này.
Báo cáo giải trình tiếp thu những ý kiến đóng góp gửi về Tổng cục, ông Minh cho biết, Bộ Tài chính đề nghị bỏ đề xuất “Điều chỉnh chế độ chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, lực lượng lao động có tay nghề cao yêu nghề, gắn bó với nghề”. Điều này là không hợp lý bởi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu quan điểm “Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản…
Ngoài ra, các địa phương kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các đề án lập bản đồ địa chất khoáng sản 1:50.000 (Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đồng bằng sông Cửu Long), lập bản đồ khoáng sản các tỉnh, điều tra tai biến địa chất, đánh giá cát cuội sỏi lòng sông, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, nếu thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 như các tỉnh đề nghị sẽ không có vốn.
Để giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đánh giá khoáng sản. Dự thảo Quy hoạch đề xuất giải pháp về huy động vốn: Sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các hoạt động điều tra địa chất phục vụ cộng đồng, kinh tế - xã hội như: lập bản đồ địa chất, điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, di sản địa chất, điều tra khoáng sản sơ bộ. Khi có kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản sơ bộ, sẽ khoanh định các diện tích có triển vọng khoáng sản (ví dụ trong đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” và đề án Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ,…) công bố, khuyến khích các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư.