ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Cần đầu tư khẩn trương đường tránh phía Đông TP. Đông Hà
Kinh tế - Ngày đăng : 08:19, 02/06/2022
Nhất thiết không để dự án đầu tư dang dở
Về đường tránh phía Đông TP.Đông Hà, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu: Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, cử tri Quảng Trị gửi đến Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Dự án đường tránh phía Đông TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Dự án này được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư có chiều dài hơn 23 km, được khởi công từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2019 mới hoàn thành được 5,1 km. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải quyết định phê duyệt đầu tư tiếp đoạn phía Bắc 13 km. Điều đáng nói là công trình đang được đầu tư 2 đầu; đoạn giữa qua TP. Đông Hà 4,2 km đến nay chưa thu xếp được nguồn vốn. Nghĩa là xây dựng đường giao thông nhưng không thông tuyến được.
Vì vậy, hằng ngày hằng đêm, xe tải nặng, xe container nối đuôi nhau rầm rập chạy xuyên qua trung tâm thành phố trong sự nơm nớp lo sợ của người dân. Đã có hàng trăm vụ tai nạn, thương vong cho người dân trên “con đường đau khổ, con đường tử thần” này. Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết đầy đủ.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải, đơn vị chủ đầu tư dự án khẩn trương phối hợp với lãnh đạo tỉnh có giải pháp đầu tư phần đường còn lại để đường được thông tuyến; nhất thiết không được để dự án đầu tư dang dở, lãng phí lớn nguồn lực quốc gia và hệ lụy vô cùng lớn cho Nhân dân nơi đây.
Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42
Đối với vấn đề kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đại biểu phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích. Một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và nhiều tài sản tài chính khác ít hay nhiều, nhẹ hay nặng chắc chắn đã xuất hiện.
Đại biểu đặt câu hỏi liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung. Trong khi đó, khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp, đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng, hoạt động thế nào, liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới?
Theo đại biểu, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu và toàn thị trường tài chính tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng và tích tụ rủi ro, làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.
Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.